“MyHanoi” bảo vệ môi trường

Một dự án được xem là khá thiết thực của nhóm những người yêu Hà Nội có chủ đề  “Thanh niên hành động nhằm thay đổi thói quen vứt rác nơi ăn uống công cộng, giữ vệ sinh nhà hàng ăn uống” vừa đạt giải thưởng Ngày Sáng tạo Việt Nam  2008.

Từ hiện trạng các cửa hàng ăn uống...

Hà Nội thành phố mật độ dân cư rất đông đúc. Do nhu cầu cuộc sống, số lượng các nhà hàng, quán ăn bình dân phục vụ việc ăn uống cho cư dân nội thành (trong đó có số lượng không nhỏ khách vãng lai) rất lớn. Dân số quá đông, người từ khắp nơi đổ về và việc quản lý môi trường ăn uống chưa được chặt chẽ nên nhiều nhà hàng không giữ được nề nếp vệ sinh trong ăn uống.

Những cảnh vứt thức ăn thừa, rác thải một cách bừa bãi tại những nơi ăn uống công cộng dường như đã trở thành một thói quen xấu trong nhiều nhà hàng từ bình dân đến sang trọng. Mặt khác, ẩm thực Hà Nội lại là một trong những yếu tố hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài. Nhưng vấn đề vệ sinh an toàn ăn uống là một việc luôn được khách du lịch nước ngoài coi trọng. Vậy làm sao để họ cảm thấy an toàn, thoải mái khi đến những nơi ăn uống công cộng?

Xuất phát từ những suy nghĩ trên, trong các đợt đi khảo sát địa bàn Hà Nội, đặc biệt là nhiều quán ăn trong nội thành, nhóm khảo sát MyHanoi (một nhóm thành lập năm 2006 gồm 50 người là học sinh, sinh viên và những người yêu Hà Nội) thấy một thực trạng chung ở những nhà hàng, quán ăn bình dân hầu như cả chủ và khách đều không mấy ai để ý về vấn đề vệ sinh, môi trường xung quanh chỗ ăn.

Một cảnh thường thấy ở các quán ăn là trong quán từ trên bàn cho đến dưới chân bàn ăn có rất nhiều tàn thuốc, mẩu xương, giấy ăn, thức ăn thừa, vỏ trái cây... vứt la liệt dưới đất (ảnh).  Những điều đó đã vô tình tạo cơ hội cho ruồi, nhặng, gián, chuột,… hay một số loài động vật, côn trùng có hại kéo đến và chúng là những mầm mống truyền lan bệnh tật cho con người. Thực trạng này vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp những cảnh báo, khuyến cáo của Bộ Y tế trong các đợt dịch tiêu chảy và các bệnh dịch vào mùa hè.

Sôi nổi các hoạt động của nhóm

Được biết, dự án của MyHanoi sẽ góp phần vào việc nâng cao ý thức vệ sinh của mọi người trong ăn uống, đặc biệt ở nơi công cộng và tuyên truyền hành động nhằm tạo ra một môi trường vệ sinh tại các nhà hàng, quán ăn bình dân, nhằm hình thành một lối sống văn minh của một thủ đô. Đồng thời, nếu giải quyết được 2 vấn đề trên, thì đó sẽ là một cách hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh dịch liên quan đến vấn đề vệ sinh ăn uống.

Nhóm cũng đã phát động và tổ chức cho các thành viên thu thập các vật dụng phế thải có thể tái chế tại các trường học, khu dân cư như vỏ chai, lon bia, hộp đựng xà phòng, bao tải cũ kết hợp với việc tuyên truyền về vệ sinh trong khi ăn uống, phòng ngừa các bệnh liên quan đến thực phẩm và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, nhóm đã chọn quận Hoàn Kiếm là một trong những nơi có rất nhiều nhà hàng, quán ăn phục vụ cho cả người Việt Nam và người nước ngoài. Quận Hoàn Kiếm cũng là nơi có số lượng du khách nước ngoài tập trung đông nhất tại Hà Nội. Hiện, 10 nhà hàng, quán ăn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được MyHanoi phát miễn phí các dụng cụ đã được tái chế này và hướng dẫn nhân viên phục vụ trong quán cách sử dụng đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nhóm còn tổ chức các buổi tuyên truyền thường kỳ tại đây.

Nói về dự án trên, trưởng nhóm Ngô Quý Đức cho biết: Từ rất nhiều vật dụng là rác thải của cuộc sống hàng ngày, chúng tôi muốn thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh chung cho Hà Nội. Mục tiêu cụ thể của dự án sau một năm đối với những khu vực được triển khai là nâng cao ý thức tiết kiệm qua việc sử dụng, tái chế lại các đồ phế thải; giữ gìn vệ sinh môi trường tại quán ăn; phân loại rác thải để tiện lợi cho việc xử lý rác; tuyên truyền, giáo dục về vấn đề vệ sinh trong ăn uống đến người dân...

Hy vọng những nỗ lực của MyHanoi sẽ được hưởng ứng, trước hết là các nhà hàng, quán ăn. Từ đó phong trào được nhân rộng, không chỉ là vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là nếp sống văn minh đô thị ª

HẠNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục