Phản hồi sau loạt bài “Thị trường địa ốc thời băng giá”

Thủ tục - “Nút thắt cổ chai” của thị trường địa ốc

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM bày tỏ sự đồng tình với nhận định cho rằng thủ tục hành chính quá nhiêu khê khiến giá nhà đất bị “đẩy” lên quá cao mà tác giả bài báo đã nêu. Ông khẳng định: Thủ tục hành chính hiện là “nút thắt cổ chai”, là nguyên nhân trực tiếp làm giảm nguồn cung cho thị trường, dự án chậm triển khai.

- PV: Thưa ông, cụ thể những rào cản đó là gì?

Ông LÊ HOÀNG CHÂU: Nhược điểm đầu tiên, công tác quy hoạch đất đai chưa tương thích quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Trong thời gian khá dài, việc chúng ta chấp thuận đầu tư dự án nhỏ lẻ đã làm diện mạo đô thị nham nhở, không kết nối được hạ tầng. Tiếp theo, thông tin quy hoạch hạn chế, thiếu minh bạch và công bằng đối với những nhà đầu tư dẫn đến hệ quả: Những chủ đầu tư có mối quan hệ tốt thì sẽ có những dự án đầu tư tốt.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến quy hoạch, TPHCM chưa phủ kín quy hoạch 1/2000, dẫn đến việc duyệt 1/500 hết sức nhiêu khê, mặc dù văn bản pháp lý thì có đủ nhưng trên thực tế không có quy hoạch 1/2000 thì sao duyệt 1/500? Tuy TPHCM phân cấp duyệt quy hoạch về quận - huyện nhưng thực chất Sở Quy hoạch- Kiến trúc vẫn là cấp trên xét duyệt, đây chính là nguyên nhân làm cho dự án kéo dài. Một thủ tục khác cũng hết sức phi lý là quy định bắt buộc phê duyệt đối với mọi dự án đầu tư. Theo tôi, dự án nhà ở của doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách thì nhà nước duyệt để làm gì? Ngay cả dự thảo sửa Nghị định 90 do Bộ Xây dựng đang soạn tuy là bỏ thủ tục phê duyệt này, nhưng lại đưa vào quy định phải “thẩm định dự án đầu tư”. Rõ ràng đây là thủ tục thừa, mang nặng “cơ chế xin cho”.

- Việc đền bù giải phóng mặt bằng hiện cũng gây ra nhiều bức xúc, từ chủ đầu tư cho đến “chủ đất”. Theo ông, chính sách giải phóng mặt bằng thế nào sẽ thỏa đáng?

Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng bị thả lỏng, việc cưỡng chế không thực hiện được, chủ đầu tư và người có đất tự bơi với nhau. Đây lại là “nút thắt cổ chai” trong đầu tư dự án nhà ở. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chính sách hiện nay hành xử không công bằng: Theo luật, người có quyền sử dụng đất có đầy đủ các quyền, Nghị định 84 còn cho phép được góp vốn thế nhưng chỉ cần một quyết định hành chính thu hồi đất là mất hết các quyền đó. Theo tôi, giá đất phải tính đến công sức rất lớn và mang tính quyết định của nhà nước, đó là công tác quy hoạch phát triển đô thị và kết nối hạ tầng. Sau đó, Nhà nước sẽ “mua” lại đất đó và tiến hành đấu giá đất sạch hoặc đấu thầu dự án. Làm như vậy sẽ tốt cho đôi bề: Đối với chủ đầu tư sẽ bình đẳng, không dấm dúi; chênh lệch địa tô chảy vào ngân sách Nhà nước, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Lương Thiện thực hiện

Thông tin liên quan

- Bài 1: Chủ đầu tư bạc tóc

- Bài 2: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”

Tin cùng chuyên mục