Vết nứt trên những đốt hầm Thủ Thiêm không đáng lo ngại?

Vết nứt trên những đốt hầm Thủ Thiêm không đáng lo ngại?

 Cuối tháng 6-2008, công tác đúc 4 đốt hầm Thủ Thiêm-một trong những hạng mục quan trọng của dự án xây dựng Đại lộ Đông-Tây tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất. Tuy nhiên, những vết nứt trên 4 đốt hầm này đã khiến dư luận quan tâm, thậm chí lo ngại về chất lượng của các đốt hầm.

Vết nứt trên những đốt hầm Thủ Thiêm không đáng lo ngại? ảnh 1
Đổ bê tông đúc đốt hầm Thủ Thiêm. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng phân ban Quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây cho biết, quả là có những vết nứt trên 4 đốt hầm nhưng theo ông, phải gọi đây là những vết rạn chân chim thì đúng hơn bởi chúng chỉ rộng từ 0,1 - 0,3mm.

Chiếu theo theo tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam, “các vết rạn không vượt quá 0,3mm” thì chúng vẫn có thể chấp nhận được với điều kiện sẽ phải xử lý triệt để bằng các hóa chất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc đúc các đốt hầm này đã được tính toán theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nghĩa là chỉ cần có vết rạn rộng khoảng 0,1mm là đã phải có các biện pháp xử lý.

“Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây đang mời một tư vấn độc lập là Trung tâm Đo lường Chất lượng khu vực 3 đến khảo sát lại toàn bộ chất lượng các đốt hầm trước khi tiến hành các giải pháp kỹ thuật để xử lý các vết rạn chân chim”, ông Thanh nói.

 Về phía nhà thầu Nhật Bản đang thi công hạng mục này là Obayashi Corporation cũng khẳng định, đây là những vết rạn chân chim, được hình thành trong quá trình đông cứng của khối bê tông (đúc hầm).

Ông Nguyễn Đỗ, kỹ sư trưởng của nhà thầu Obayashi giải thích, trong quá trình đổ bê tông thì phần bê tông bên ngoài chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và gió nhiều sẽ khô nhanh hơn phần bê tông ở phía trong. Sự co rút không đồng đều đã tạo ra những vết chân chim. “Tất cả những điều ấy đã được dự báo trước trong thiết kế”, ông Đỗ khẳng định.

 Những vết rạn này sẽ được xử lý đồng thời bằng 3 giải pháp: bơm hóa chất vào vết rạn, tiến hành chống thấm và căng cáp siết chặt các khối bê tông lại. Ông Thanh cho biết, một khi các biện pháp này được thực hiện thì chất lượng các đốt hầm không còn gì đáng lo ngại.

 Hiện nhà thầu Obayashi đang tiến hành lắp các thiết bị thông gió, chiếu sáng và các bồn chứa nước trong 4 đốt hầm (tất nhiên là song song với việc xử lý các vết rạn) để chuẩn bị cho việc kéo các đốt hầm này ra sông Sài Gòn.

Theo kế hoạch, vào tháng 10-2008, 4 đốt hầm sẽ được bịt kín, rỗng bên trong, trong quá trình kéo ra sông. Đến đúng vị trí đặt hầm, chúng sẽ được bơm đầy nước (vào các bồn chứa) và đánh chìm xuống. Tại đây, nhà thầu sẽ tiến hành ráp kín các đốt hầm và hoàn thiện cả hầm.

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn nối quận 1 và quận 2 của TPHCM là đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Hầm dài 1.490m, được hợp thành bởi 4 đốt hầm. Trong đó mỗi đốt hầm dài 93m, rộng 33m, cao 9m, nặng 25.000-27.000 tấn. Hầm Thủ Thiêm là một hạng mục của dự án xây dựng Đại lộ Đông-Tây.

Toàn bộ Đại lộ Đông-Tây dài gần 22km, đi xuyên qua trung tâm thành phố theo hướng Đông-Tây. Dự án có tổng vốn đầu tư 9.864 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản là 6.394 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự kiến đến tháng 6-2009 sẽ thông xe toàn tuyến Đông-Tây. Riêng khu vực nút giao Cát Lái sẽ phải dời đến tháng 2-2010 vì mới bổ sung thêm một hạng mục: cầu vượt nối với Trung tâm Thể dục Thể thao Rạch Chiếc.

 NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục