Tái lập mặt đường sau khi thi công chậm, cẩu thả…

Tái lập mặt đường sau khi thi công chậm, cẩu thả…

(SGGP 12G).- Trong khi người dân TPHCM chưa hết bức xúc về việc hàng trăm “lô cốt” thi công nhếch nhác, cẩu thả gây tai nạn, kẹt xe thì gần đây lại thêm bất bình về việc hàng loạt nhà thầu thi công xong không tái lập mặt đường hoặc tái lập cẩu thả khiến cho không ít người đi đường bị té ngã. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các cơ quan chức năng chưa làm việc “hết mình”?

“Bẫy” người đi đường

Tái lập mặt đường sau khi thi công chậm, cẩu thả… ảnh 1

Hố sâu còn lại trên đường Lạc Long Quân không được che chắn khiến cho nhiều người bị té ngã (ảnh chụp lúc 10g ngày 23-8). Ảnh: HỒ THU

Ghi nhận tại hàng loạt “lô cốt” trên trục đường Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ chúng tôi nhận thấy có một nét chung: Chưa tái lập hoặc tái lập mặt đường sơ sài, cẩu thả. Nhiều “lô cốt” khi thi công xong, nhà thầu cho tháo dỡ rào chắn, để lại con mương có gờ thấp hơn mặt đường hiện hữu từ 3-7cm, thậm chí có nơi trên 10cm. Có những đoạn, nhà thầu chỉ trám lớp nhựa mỏng bên trên nên chỉ một thời gian ngắn mặt đường đã bị cày xới tạo thành vô số ổ gà, ổ voi.

Cụ thể, trước số nhà 241A Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), công trình đào đường lắp đặt tuyến cống thoát nước thuộc Dự án Vệ sinh Môi trường TPHCM sau khi thi công xong nhà thầu để lại một đoạn khoảng 30m không tái lập lằn phui, có gờ cao gần 10cm! Anh Tài, chạy xe ôm ở đây cho biết, không ít người điều khiển xe gắn máy bị lạc tay lái, té ngã khi trượt xuống gờ này.

Tương tự, các công trình trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) việc tái lập mặt đường cẩu thả đã tạo nên những cái “bẫy” cho người đi đường. Nhiều đoạn được tái lập dở dang, chỉ được cảnh báo bằng những đoạn dây tạm bợ. Nguy hiểm hơn, trên đường Lạc Long Quân (quận 11) nhiều ngày nay người đi đường hết sức bức xúc vì có một “ổ voi” sâu gần 30cm nhưng không hề được rào chắn cảnh báo. Hay dọc theo tuyến Phan Huy Ích – Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), đơn vị thi công trải lớp đá mi mà không rải nhựa. Trời nắng thì bụi bay mù mịt, còn những ngày trời mưa, nước ngập khiến không ít người đi xe máy bị “đo ván” giữa đường.

Ghi nhận của chúng tôi tại các tuyến đường khác như Trường Chinh, Đồng Đen, Nguyễn Trọng Tuyển (Tân Bình), Lê Văn Việt (quận 9), Nguyễn Kiệm (Gò Vấp), Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Cửu Vân (Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… đều có chung tình trạng trên.

Chưa hết, khi các “lô cốt” triển khai thi công, buộc các phương tiện phải đi trên vỉa hè. Thế nhưng, khi vỉa hè tan nát thì không ai chịu trách nhiệm sửa chữa. Anh Minh, ngụ tại đường Trần Văn Đang (quận 3) cho biết, vỉa hè đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới được lát gạch chưa bao lâu thì bị băm nát nhưng vẫn không được sửa chữa. Tình trạng này cũng xảy ra đối với lề đường Trần Quốc Thảo (quận 3).

Lỗi tại… quy trình giám sát?

Điều đáng nói ở đây là vì sao các công trình đào đường lại tái lập cẩu thả, phải chăng thiếu chế tài hay có “vấn đề” trong việc giám sát? Theo quy chế đào đường, các đơn vị thi công phải tái lập và trả lại mặt đường đúng như trước lúc thi công. Thế nhưng, ghi nhận trên thực tế chỉ vài nhà thầu nước ngoài làm tốt, còn đa số nhà thầu (nhất là các nhà thầu trong nước) đều tái lập mặt đường kiểu bầy hầy, nhếch nhác, không trả về nguyên trạng ban đầu hoặc chỉ được một vài ngày sau là đường bị lún xuống…

Một kỹ sư chuyên ngành về giao thông cho rằng, việc tái lập mặt đường kém chất lượng là do nhà thầu thi công rút bớt khối lượng bê tông nhựa hoặc do nền đường lu lèn không kỹ vì nhà thầu “tiết kiệm chi phí” (!?). Về việc nhiều công trình chậm tái lập mặt đường sau khi thi công, theo giải thích của các đơn vị chủ đầu tư dự án là do cần phải có thời gian để phía tư vấn giám sát kiểm tra chất lượng. Về nguyên tắc, các lằn phui phải tái lập theo từng lớp cát, đá mi và được lu lèn kỹ… như quy trình làm đường rồi mới lấy mẫu kiểm nghiệm cho từng lớp nên tốn nhiều thời gian.

Trước quy trình rườm rà này, có ý kiến cho rằng Sở GTVT cần đề nghị phía tư vấn chấp thuận cho nhà thầu tái lập mặt đường trước và kiểm tra chất lượng sau. Nếu sau khi tái lập mặt đường mà đường bị lún sụt, nhà thầu có trách nhiệm tái lập cho đúng cao độ. Còn việc các vỉa hè bị hư hỏng, các khu quản lý giao thông đô thị phải có trách nhiệm sửa chữa, dặm vá. Phía Thanh tra Sở GTVT cũng kiến nghị, đối với những công trình đào đường có bề rộng lằn phui chiếm hơn 2/3 diện tích mặt đường thì nên tráng nhựa toàn bộ mặt đường.

Tuy nhiên, điều mà dư luận đặt câu hỏi: Vì sao cùng một quy trình giám sát chất lượng như nhau nhưng các công  trình do nhà thầu trong nước lại chậm tái lập hoặc tái lập cẩu thả, kém chất lượng… Câu trả lời này xin dành cho chủ đầu tư các dự án và Sở GTVT TPHCM!.

Sở GTVT vừa đề ra một số biện pháp quản lý các hàng rào chắn, công tác đào và tái lập mặt đường để thi công các công trình ngầm trên địa bàn TPHCM. Theo đó, các chủ đầu tư khi xin phép đào đường phải trình bày hồ sơ phương án đảm bảo an toàn giao thông. Sở chỉ cấp phép đào đường cho công trình theo khối lượng 100m dài và thời gian thi công mỗi đợt không quá 2 tháng. Ngoài ra, chủ đầu tư và nhà thầu phải cam kết thực hiện đúng tiến độ thi công đường.

Sở sẽ không gia hạn cấp phép đào đường và kiên quyết loại bỏ các nhà thầu vi phạm tiến độ, không đủ năng lực thi công. Đơn vị xin phép thi công chỉ được cấp phép thi công đoạn tiếp theo khi đã hoàn thành đoạn đã cấp phép. Riêng việc tái lập mặt đường, đơn vị thi công chỉ được tháo dỡ hàng rào để thi công đoạn tiếp theo sau khi đã tái lập mặt bằng và bàn giao cho đơn vị quản lý đường bộ. Trong trường hợp mặt đường sau khi tái lập bị lún hơn 3cm, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải lập tức khắc phục.

NHÓM PV

 ________________

TPHCM: Hàng loạt “lô cốt” đào đường bị đình chỉ thi công

Thanh tra Sở GTVT cho biết, trong tuần qua đã đình chỉ thi công 5 vị trí trên 4 tuyến đường gồm: đường Trường Chinh, Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình), Cao Lỗ, Dương Bá Trạc (quận 8). Các công trình vi phạm nhiều lỗi, như thi công không đảm bảo an toàn, gây ô nhiễm môi trường và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục. Bên cạnh đó, GTVT đã lập 29 biên bản vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 62 triệu đồng và kiểm tra nhắc nhở 445 trường hợp vi phạm khác. Tính đến ngày 22-8, TPHCM có 210 vị trí “lô cốt” trên 79 tuyến đường.


Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục