Chống ngập do triều cường - Dự án nhiều, triển khai chậm

Chưa đồng bộ
Chống ngập do triều cường - Dự án nhiều, triển khai chậm

Không chỉ ngập ở các quận huyện ngoại thành mà các quận nội thành khi triều cường hay mưa lớn nhiều nơi cũng bị ngập nặng. Trước thực trạng này, TPHCM phối hợp Bộ NN-PTNT đưa ra quy hoạch tổng thể và thực hiện nhiều giải pháp chống ngập, chống triều cường nhằm giảm thiểu tình trạng ngập nước trên địa bàn TP. Tuy nhiên, nhiều giải pháp đã và đang thực hiện chưa đem lại hiệu quả.

Bơm nước chống ngập trên đường Âu Cơ. Ảnh: Đức Thành

Bơm nước chống ngập trên đường Âu Cơ. Ảnh: Đức Thành

Chưa đồng bộ

Thời gian qua TP đã triển khai đồng loạt các dự án như Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc- Thị Nghè, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ giai đoạn I, dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, dự án hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum, hệ thống đê bao bờ hữu sông Sài Gòn từ Bến Súc đến Vàm Thuật và bờ tả sông Sài Gòn, dự án cống kiểm soát triều rạch Cầu Bông - Bình Triệu - Bình Lợi - rạch Lăng... và làm mới hàng chục tuyến cống thoát nước trên các tuyến đường chính bị ngập nặng. Tuy nhiên các dự án này đang trong quá trình thi công hoặc đã thi công xong nhưng chưa kết nối đồng bộ, vì vậy chưa thể phát huy được chức năng thoát nước, thậm chí nhiều nơi phản tác dụng gây ngập cục bộ. 

Theo Bộ NN-PTNT, hệ thống thoát nước mưa ở TPHCM có nhiều cấp độ khác nhau. Cụ thể, tuyến cấp 1 là những kênh rạch chính hở, cấp 2 là các tuyến cống nhận nước từ hệ thống cấp 3 và tiêu thoát ra tuyến cấp 1 bởi các cửa xả. Hiện nay, có thể thống kê trên 200 cửa xả, trong đó có tới trên 100 cửa xả nước ra tuyến Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Kênh Tẻ. Tuyến cấp 3 nhận nước từ tuyến cấp 4 và tháo vào tuyến cấp 2, tuyến ống cấp 4 là phần của hệ thống nhận nước từ các tòa nhà. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây chưa lường hết tác động của triều cường và lũ thượng lưu đối với hệ thống cấp 1 khi thiết kế các hệ thống cấp 2, cấp 3 và cấp 4. Việc tác động làm giảm mực nước trên hệ thống cấp 1 có ý nghĩa lớn đối với toàn hệ thống tiêu thoát nước của khu vực.

Hệ thống cống kiểm soát mực nước được bố trí trên tuyến đê bao tại tất cả các cửa sông rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè và sông Vàm Cỏ Đông... Hướng thoát nước chính là hướng Bắc - Nam, vì vậy hệ thống trục thoát nước chính được xác định là các kênh theo hướng này. Trục kênh Rạch Tra - Thầy Cai - An Hạ - kênh Chợ Đệm sẽ làm nhiệm vụ tải nước từ vùng trũng TP về phía Nam. Tuyến kênh trục này cần được nạo vét, mở rộng để nâng cao hiệu quả chuyển nước.

Xây dựng đê bao kép kín

Bộ NN-PTNT đang xúc tiến triển khai hàng loạt dự án, trong đó giai đoạn 1 xây dựng 6 cống lớn tại các vị trí: Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ và cống nhỏ tại các rạch khác, xây dựng tuyến đê bao nối các cống. Nạo vét các kênh trụ thoát nước trung tâm Sài Gòn về phía Nam. Giai đoạn 2, xây dựng các cống lớn tại Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ tại các rạch khác nối liền các tiểu dự án hệ thống thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn. Nạo vét tuyến trục Bắc - Nam. Giai đoạn 3, xây dựng 4 cống tại Bến Nghé, Tân Thuận, Bến Lức, kênh Xáng Lớn, mở thông cống An Hạ hiện hữu. Xây dựng hoàn chỉnh tuyến đê bao. Dự tính tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên, hiện nay và thời gian tới con số nay đã đội lên gấp nhiều lần so với con số ban đầu.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 3, hệ thống khép kín đảm bảo kiểm soát tuyệt đối mực nước trên kênh rạch trong khu vực, ngăn chặn ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng đối với khu vực dự án. Tuy nhiên những “siêu dự án” trên còn rất lâu mới khởi công xây dựng, vì hiện nay mới ở bước khảo sát ban đầu.

Thời gian qua, trong nhiều hội thảo về chống ngập úng các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về giải pháp chống ngập cho TPHCM. Các nhà khoa học cho rằng, điều cần thiết là phải xem xét lại tổng thể quy hoạch, trong đó thực hiện cải tạo, khai thác tốt các hồ điều tiết nước hiện hữu (nhất là ở khu vực phía Tây TP); đầu tư xây dựng hồ điều tiết mới gắn với hệ thống cống thoát nước (diện tích mặt hồ chiếm từ 1% đến 3% trên tổng diện tích lưu vực). Để làm được việc này, TP cần nhanh chóng sở hữu hóa tất cả các hồ lớn hơn 1ha để tránh bị san lấp. Kế nữa, khẩn trương nạo vét các tuyến kênh rạch và quản lý nghiêm ngặt xây dựng không theo quy hoạch.

Quốc Hùng

>> Triều cường gây ngập TPHCM: Phòng tuyến chưa xây, bờ bao rệu rã

Tin cùng chuyên mục