TPHCM: Tiềm năng CDM là rất lớn

TPHCM: Tiềm năng CDM là rất lớn

Dự án CDM tại bãi rác Đông Thạnh - dự án mua bán chỉ tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính - đầu tiên ở TPHCM về cơ bản không được triển khai thực hiện. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), nguyên nhân chính, do phía đối tác là Công ty KMDK (Hàn Quốc) gặp khó khăn tài chính.

Có thể nói, mua bán chỉ tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một cơ chế bảo vệ môi trường, chống sự nóng lên của trái đất, nguyên nhân trực tiếp gây biến đổi khí hậu toàn cầu, đã được đưa ra tại Hội nghị Kyoto Nhật Bản năm 1997.

Cơ chế này thực hiện theo hình thức thay vì tiến hành các dự án giảm khí phát thải ngay tại nước mình, các nước phát triển có thể giúp các nước đang phát triển giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước đang phát triển. Khối lượng khí thải giảm từ sự hợp tác này được tính vào chỉ tiêu cắt giảm khí thải của nước phát triển. Ngược lại, các nước phát triển phải trả một khoản tiền theo thỏa thuận cho các nước đang phát triển.

Cơ chế này giúp các nước phát triển hoàn thành trách nhiệm giảm khí thải của mình đồng thời giúp các nước đang phát triển thu được một khoản lợi nhuận không nhỏ. Dự án CDM tại bãi rác Đông Thạnh cũng vận hành theo nguyên tắc tương tự. Công ty KMDK sẽ thực hiện một dự án giảm khí phát thải tại đây và trả cho TPHCM khoảng 3 triệu USD, nhưng do gặp khó khăn tài chính nên không được triển khai.

Biến đổi khí hậu góp phần gây nên tình trạng thiếu nước sạch (Ảnh người dân huyện Nhà Bè đẩy xe đi mua nước). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Biến đổi khí hậu góp phần gây nên tình trạng thiếu nước sạch (Ảnh người dân huyện Nhà Bè đẩy xe đi mua nước). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tại TPHCM không chỉ có bãi rác Đông Thạnh có thể triển khai dự án CDM. Trong nhiều lĩnh vực, TP đều có thể triển khai hình thức mua bán khí phát thải này. Chiếu sáng công cộng là một điển hình. Theo ông Nguyễn Trọng Huệ, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, thời gian qua TPHCM đã triển khai 3 chương trình lớn nhằm tiết kiệm điện trong chiếu sáng. Chương trình đầu tiên được triển khai vào năm 2007, đó là dự án xây dựng trung tâm tự động điều khiển đèn chiếu sáng. Tùy theo yêu cầu chiếu sáng, trung tâm này hoạt động như một thiết bị có chức năng “vặn đèn sáng lên hoặc tối đi”. Trung tâm đã hoạt động từ tháng 8-2009 và đang quản lý 12.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng của TP.

Công ty Chiếu sáng công cộng đã nhờ Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam tính toán hiệu quả của chương trình này và kết quả rất đáng phấn khởi: thiết bị “vặn đèn” đã giúp tiết kiệm đến 42% lượng điện/công suất lắp đặt. Chương trình thứ 2 được triển khai năm 2008 với dự án “đèn 2 công suất” áp dụng cho khoảng 5.000 - 6.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng của TP.

Dự án này khá đơn giản: vào giờ cao điểm, đèn sẽ được mở hết công suất và vào giờ thấp điểm, đèn sẽ được mở khoảng 65% công suất. Chương trình thứ 3, Công ty Chiếu sáng công cộng tổ chức xen kẽ tắt bớt đèn (một đèn sáng thì có một đèn tắt) ở những khu vực không quan trọng.

Ông Nguyễn Trọng Huệ cho biết, cũng theo tính toán của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, hiệu quả của cả 3 chương trình đã giúp TP tiết kiệm được khoảng 40%-42% lượng điện chiếu sáng công cộng. Công ty Chiếu sáng công cộng đang rất muốn tìm đối tác để có thể đưa chương trình tiết kiệm điện này vào các dự án CDM bởi tiết kiệm điện là một hình thức giảm khí phát thải.

Đô thị Phú Mỹ Hưng cũng đang có tham vọng tham gia vào các dự án CDM bằng việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước có thể tái sử dụng cho một số hoạt động của đô thị như tưới cây, rửa đường… Phần bùn thải ra từ quá trình xử lý nước sẽ được sản xuất thành phân bón cây trồng.

Như vậy, có thể nói tiềm năng tham gia các dự án CDM của TPHCM là rất lớn. Tuy nhiên, như ông Nguyễn Trọng Huệ tâm tư: “Không biết kết nối với các đối tác như thế nào”. Do đó vấn đề hiện nay, cần một cơ quan làm đầu mối tìm kiếm đối tác có thể hợp tác làm các dự án CDM với TP. Đây không những là công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn giúp TP thu được những khoản tiền không nhỏ.

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục