TPHCM: Tại sao chưa tái chế rác?

TPHCM: Tại sao chưa tái chế rác?

Trong bài viết “Tái chế rác thải để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính” đăng trước đây, chúng tôi đã đề cập đến một thực tế: rác thải sinh hoạt của TPHCM chủ yếu mới chỉ được chôn lấp hợp vệ sinh chứ chưa được tái chế. Chôn lấp hợp vệ sinh có thể không gây ô nhiễm môi trường nhưng bản thân hoạt động chôn lấp này vẫn đang làm phát thải một lượng lớn khí CO2, H2S, NH3, CH4… gây hiệu ứng nhà kính và làm trái đất nóng lên. PV Báo SGGP đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, đồng thời là điều phối viên Chương trình Thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM về việc này.

Chôn lấp rác tại bãi rác Phước Hiệp huyện Củ Chi. Ảnh: Đ.TRÍ

Chôn lấp rác tại bãi rác Phước Hiệp huyện Củ Chi. Ảnh: Đ.TRÍ

- Phóng viên: Tại sao TPHCM chưa triển khai mạnh mẽ việc tái chế rác?

Tiến sĩ NGUYỄN TRUNG VIỆT: Phải nhìn lại khoảng thời gian 3 năm trước đây, khi mà thành phố còn thiếu gay gắt bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh thì mới hiểu được hiện nay đã đủ bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, là một nỗ lực rất lớn của thành phố. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trái đất đang bị nóng dần lên vì rất nhiều khí thải độc hại phát tán ra môi trường trong đó có khí phát thải từ việc chôn lấp rác thì đúng là phải triển khai ngay công tác tái chế rác thải.

TPHCM hiểu rất rõ điều này và trên thực tế đang triển khai rất nhiều dự án tái chế rác thải. Tại Phước Hiệp, Củ Chi có hai nhà máy tái chế rác thành phân compost với công suất mỗi nhà máy khoảng 1.000 tấn rác/ngày. Tại Đa Phước, Bình Chánh cũng có một nhà máy tái chế… Dự kiến đến cuối năm 2010 các nhà máy tái chế nêu trên sẽ đi vào hoạt động.

- Thưa ông, theo đề án quy hoạch về hoạt động xử lý chất thải rắn của TPHCM thì hoạt động tái chế rác phải bắt đầu từ những năm 2007-2008. Tại sao đến thời điểm này, các dự án này mới đang triển khai?

Có nhiều lý do cho sự chậm trễ này. Trước hết là cuộc khủng khoảng kinh tế vừa qua đã làm cho các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Các hoạt động đầu tư của họ buộc phải chậm lại. Nguyên nhân nữa là công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án này cũng tiến hành khá chậm. Tất cả những lý do này đã làm cho hoạt động tái chế không được triển khai nhanh như mong muốn.

- Trong hầu hết các hợp đồng xử lý rác với các nhà đầu tư, các cơ quan chức năng đều chấp nhận cho nhà đầu tư hưởng lợi từ hoạt động tái chế rác. Tại sao như vậy? Nếu thu được lợi nhuận từ việc tái chế rác, tại sao các nhà đầu tư không đẩy mạnh công tác này?

Cho nhà đầu tư hưởng lợi từ hoạt động tái chế rác là một cách mà thành phố muốn qua đó để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tái chế rác, giúp thành phố tiết kiệm được đất chôn lấp rác và hạn chế khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên. Hầu hết các nhà đầu tư đang đẩy mạnh công tác tái chế rác. Vấn đề là họ đã gặp những khó khăn như tôi nói ở trên nên các dự án tái chế rác chưa được triển khai nhanh.

- Thưa ông, sự chậm trễ trong các dự án tái chế rác có nguyên nhân từ việc chậm triển khai công tác phân loại rác từ nguồn không?

Trong tất cả các hợp đồng tái chế rác với các nhà đầu tư, thành phố đều đặt điều kiện “tái chế rác hiện có, tức loại rác chưa phân loại”. Do đó, không thể nói chậm triển khai công tác phân loại rác từ nguồn là nguyên nhân làm cho hoạt động tái chế rác bị chậm lại. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là không cần đẩy nhanh hơn công tác phân loại rác từ nguồn bởi nếu rác được phân loại tốt ngay từ đầu thì công tác tái chế rác sẽ tiến hành thuận lợi, tốt hơn.

- Cảm ơn ông.

An Nhiên

  • Thông tin liên quan:

- Xử lý chất thải rắn để giảm khí thải CO2

Tin cùng chuyên mục