Sản phẩm thân thiện môi trường - Cần sự đồng thuận

Thanh tra môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM mới đây đã bắt quả tang và ra quyết định xử phạt một cơ sở dệt nhuộm trên địa bàn quận Tân Bình cố tình xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh Tham Lương. Chủ doanh nghiệp thành khẩn nhận lỗi, không xin giảm nhẹ hành vi vi phạm mà chỉ giãi bày: “Nếu đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn, doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh nổi với các đơn vị khác bởi chi phí cho hệ thống này ít nhất cũng làm đội chi phí sản xuất lên hơn 20%. Thực ra, chúng tôi cũng sẵn sàng đầu tư vì biết rằng chất lượng môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Thế nhưng, nếu chỉ chúng tôi thực hiện còn các doanh nghiệp khác không làm thì không khéo chúng tôi sẽ… chết đói trước khi chết vì môi trường ô nhiễm”.

Tất nhiên, không thể chấp nhận cho cách giải thích như vậy của chủ doanh nghiệp nhưng một số thanh tra viên trong đoàn cũng nhận thấy rằng, doanh nghiệp này không phải không có… lý. Đây cũng không phải trường hợp cá biệt. Cách nay chưa lâu, một doanh nghiệp dệt may tên tuổi ở quận Thủ Đức tuy đã đầu tư gần 2 triệu USD để xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhưng hệ thống này chỉ hoạt động khi… có đoàn kiểm tra đến và ngưng khi họ đi. Chính quyền địa phương biết, ngành chức năng biết sự gian lận này của doanh nghiệp và đã nhiều lần ra quyết định xử phạt, song doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt nhưng sau đó tiếp tục gian lận. Lý lẽ của đơn vị này cũng tương tự cơ sở dệt nhuộm ở quận Tân Bình: chi phí xử lý nước thải quá tốn kém, làm tăng chi phí sản xuất nên doanh nghiệp không thể cạnh tranh được.

Hiện nay, tình trạng trên tuy có giảm do ngành chức năng tăng cường kiểm tra xử lý và mức phạt cho vi phạm này cũng đã tăng lên rất nhiều. Thế nhưng, theo các chuyên gia về môi trường, kết quả này chưa bền vững, bởi một khi doanh nghiệp làm ăn chân chính còn phải bận tâm đến việc đối đầu với những doanh nghiệp không chịu đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lấy đó làm ưu thế cạnh tranh như thế sẽ thiếu công bằng. Vì thế, vấn đề là nhà nước phải có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện nay, một số bộ, ngành, địa phương cũng đã có chủ trương này song do thủ tục thực hiện quá phức tạp nên ở nhiều nơi cơ chế này vẫn chưa đến được với doanh nghiệp. Gần như các doanh nghiệp vẫn phải tự bơi nếu muốn sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chỉ khi nào có sự quyết tâm của doanh nghiệp người dân-người tiêu dùng ủng hộ và Nhà nước tạo điều kiện thì các sản phẩm thân thiện với môi trường mới có điều kiện phát triển. Hơn nữa, việc tạo điều kiện của Nhà nước phải được cụ thể hóa bằng các quy định pháp quy rõ ràng với thủ tục thực hiện tinh gọn, mới giúp chủ trương này phát huy được hiệu quả trong thực tế.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục