Mưa bão, lũ lụt sẽ dữ dội hơn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên mùa hè năm nay sẽ mát mẻ hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, La Nina cùng những hiện tượng thời tiết bất thường như hiện nay lại đang báo hiệu những trận mưa bão, lũ lụt lớn sẽ xảy ra ở 3 khu vực là Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới, gây những thiệt hại lớn nếu không chủ động đề phòng.
Mưa bão, lũ lụt sẽ dữ dội hơn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên mùa hè năm nay sẽ mát mẻ hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, La Nina cùng những hiện tượng thời tiết bất thường như hiện nay lại đang báo hiệu những trận mưa bão, lũ lụt lớn sẽ xảy ra ở 3 khu vực là Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới, gây những thiệt hại lớn nếu không chủ động đề phòng.

  • Không còn theo quy luật

Ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Lào Cai, cho biết qua 6 tháng đầu năm thời tiết trên cả nước có những dấu hiệu rất bất thường. Liên tục những kỷ lục về thời tiết được thiết lập, như đợt rét đậm, rét hại vào hồi đầu năm khắc nghiệt hơn nhiều so với các mùa đông trước.

Cảnh lũ quét tàn phá nhà cửa của dân ở huyện Sa Pa (Lào Cai) cuối năm 2010. Ảnh: VĂN PHÚC

Cảnh lũ quét tàn phá nhà cửa của dân ở huyện Sa Pa (Lào Cai) cuối năm 2010. Ảnh: VĂN PHÚC

Trong tháng 1-2011 đã xảy ra một đợt rét đậm rét hại dài 31 ngày, chỉ kém đợt rét kỷ lục vào năm 2008 khoảng 5 ngày, song vượt kỷ lục ở chỗ có nhiều ngày rét hại, nhiệt độ xuống dưới 10°C và làm hàng chục ngàn con trâu, bò chết vì rét. Đặc biệt, tới giữa tháng 3-2011 vẫn còn xảy ra một đợt rét đậm rét hại và xuất hiện cảnh chưa năm nào gặp đó là tuyết rơi trắng xóa thành lớp dày ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu… trong khi những năm trước chỉ có hình thái băng giá, mưa đông kết vào khoảng tháng 1.

Thêm nữa, từ tháng 4-2011 cho tới nay, mặc dù đã bước sang mùa hè nhưng ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ lại liên tục xảy ra các đợt không khí lạnh. Chỉ riêng tháng 5 vừa qua đã có tới 4 đợt không khí lạnh, nhiều hơn năm trước 2 đợt. Nhiều nơi như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng… rét bất thường giữa mùa hè. Vào ngày 17-5, tại Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ giảm xuống 10,7°C. Trong khi tháng 5-2010 cả nước hứng chịu 4 đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất lên tới 39 - 40°C, có 41 - 42°C. Bước sang tháng 6 vẫn còn có không khí lạnh nhưng cường độ nhẹ. Ông Hải chia sẻ: “Sự thất thường của thời tiết ngày càng rõ hơn và càng khó nhận định hơn do không còn theo quy luật nữa”.

Các chuyên gia về khí tượng đều khẳng định, theo kinh nghiệm và căn cứ trên các chuỗi số liệu nhiều năm cho thấy, những năm rét sâu, rét kéo dài thì mùa mưa vào tháng 6-9 sẽ có mưa nhiều. Trong lịch sử, đã từng xảy ra những trận lũ lớn vào các năm 1963, 1968, 1971, 1986 và gần đây nhất là năm 2008. Vào đầu những năm đó đều xảy ra những đợt rét đậm, rét hại. Do vậy, nguy cơ mưa bão, lũ lụt xảy ra trong năm nay là rất cao.

  • Chủ động trước mưa lũ

Để chủ động trước nguy cơ mưa lũ lớn trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng chống lụt bão năm 2010 và chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó mưa lũ trong năm 2011 sát với tình hình thực tế của địa phương, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Hiện nhiều địa phương đang gấp rút triển khai các phương án chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong mùa mưa bão, tổ chức diễn tập phòng tránh mưa lũ cho người dân.

Đặc biệt, khi có mưa lũ lớn, lo ngại hơn cả vẫn là dân cư chịu ảnh hưởng bởi việc xả lũ của các hồ thủy điện. Do đó, để chủ động với mưa lũ, giảm nhẹ thiệt hại các địa phương và ban quản lý các nhà máy thủy điện phải chủ động điều tiết nguồn nước một cách nhịp nhàng, hợp lý. Tại miền Bắc, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15-6 đến 15-9-2011, các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà phải điều tiết để phục vụ chống lũ và phát điện theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên sau: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối thủy điện, đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du (đồng bằng Bắc bộ và thủ đô Hà Nội) và đảm bảo an toàn phát điện.

PHÚC HẬU

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
° Cà Mau: Lốc xoáy làm chìm 13 tàu cá

(SGGP).- Theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương: Hồi 19 giờ ngày 15-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,5 - 16,5 độ vĩ Bắc; 113,5 - 114,5 độ kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức từ 39 - 49 km/giờ), giật cấp 7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 19 giờ ngày 16-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 - 18 độ vĩ Bắc; 113 - 114 độ kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức từ 39 - 49 km/giờ), giật cấp 7.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy, vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động.

* Chiều 15-6, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết khoảng 8 giờ sáng 15-6, một cơn mưa lớn kèm lốc xoáy đi qua địa bàn tỉnh Cà Mau gây ra nhiều thiệt hại cho ngư dân đang đánh bắt trên biển.

Tại vùng biển Đá Bạc xã Khánh Bình Tây huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cơn lốc xoáy đã nhấn chìm 11 tàu cá và 22 ngư phủ. Cùng thời gian trên, tại cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) lốc xoáy làm chìm 2 tàu cá, 3 ngư phủ. Mưa dông lớn cũng làm tốc mái và hư hỏng nặng 5 căn nhà của người dân ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi và ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây.

Đến khoảng 12 giờ 40 phút cùng ngày, 25 ngư phủ được đưa vào bờ an toàn nhưng 13 tàu chìm vẫn chưa trục vớt được. Hiện vẫn còn 11 tàu cá khác bị mất liên lạc. Cùng ngày, ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết: Hiện còn 2 tàu câu mực với 18 ngư phủ đi trên tàu bị mất tích. Tàu thứ nhất là của ông Nguyễn Trung Chánh (Sông Đốc), bị mất tích từ ngày 28-5. Tàu còn lại là của ông Trần Văn Đô (xã Lợi An, Trần Văn Thời), xuất bến tại cửa Sông Đốc ngày 20-5, đến ngày 6-6 thì mất liên lạc. Các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang khẩn trương tìm kiếm cứu nạn.

V.PHÚC - NH.THIÊN

Tin cùng chuyên mục