Bảo vệ nguồn nước bằng giải pháp “tái chế”

Việt Nam vốn sở hữu nguồn nước ngọt dồi dào. Song 10 năm trở lại đây, nguồn nước ngọt đang bị đe dọa nghiêm trọng khi có đến 80% nguồn nước bị ô nhiễm. Do vậy, làm thế nào để quản lý nước sạch là việc làm hết sức cấp bách. Và công nghệ “tái chế” nước thải của Israel cũng là một trong những kinh nghiệm mà nước ta cần học hỏi.

Việt Nam vốn sở hữu nguồn nước ngọt dồi dào. Song 10 năm trở lại đây, nguồn nước ngọt đang bị đe dọa nghiêm trọng khi có đến 80% nguồn nước bị ô nhiễm. Do vậy, làm thế nào để quản lý nước sạch là việc làm hết sức cấp bách. Và công nghệ “tái chế” nước thải của Israel cũng là một trong những kinh nghiệm mà nước ta cần học hỏi.

Tại hội nghị hội thảo “Công nghiệp nước và Môi trường của Israel và cơ hội hợp tác với Việt Nam”, ông Hezi Bilik, Kỹ sư trưởng, cơ quan quản lý nước Israel cho biết, từ một đất nước sa mạc khô cằn, Israel ngày nay đã trở thành quốc gia tiên phong trên thế giới về công nghệ nông nghiệp với các giải pháp thủy lợi, phát triển công nghệ nhà kính và quản lý nước. Israel xử lý gần 75% lượng nước thải tái sử dụng trong nông nghiệp.

Dự kiến tới năm 2013 các nhà máy khử mặn ở Israel sẽ cung cấp hơn 500 triệu m3 nước mỗi năm, đáp ứng 35% nhu cầu nước ngọt trong nước. Israel làm được điều này, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, từ công nghệ thông minh và kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được trong thời gian dài.

Ở Israel, nước thải công nghiệp và sinh hoạt đều được thu gom vào các hệ thống xử lý tập trung. Ở các hệ thống, tùy theo mỗi loại nước thải khác nhau mà công nghệ ứng dụng cũng rất khác nhau. Đơn cử như xử lý dựa vào từ tính (sử dụng thanh nam châm để tách các chất hữu cơ độc hại như dầu, chất tẩy rửa, hóa chất nhuộm và kim loại nặng trong nước thải); xử lý bằng phương pháp kết đông điện từ (xử lý loại bỏ kim loại nặng trong nước bằng việc đưa hyđrôxyt kim loại trùng hợp, là phương pháp dùng để xử lý nước thải công nghiệp và đô thị); xử lý bằng cách làm lắng đọng (nước được làm sạch bằng việc lắng chất bẩn có thể được sử dụng trong nông nghiệp). Hoặc việc xử lý dựa trên sự kết hợp khoa học giữa công nghệ và tự nhiên.

Ví dụ như, nước cấp cho nuôi cá giống, thải ra tiếp tục cho nuôi cá thịt, rồi đến nuôi gia súc, cuối cùng tưới cho cây trồng. Công nghệ tưới cũng hiện đại theo hướng tiết kiệm tối đa nguồn nước ngọt sạch. Thiết bị cảm biến độ ẩm được chôn dưới đất cung cấp thông tin về độ ẩm trước khi định hình chế độ tưới. Điều này giúp họ hạn chế tối đa lượng nước thừa.

Ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ KH-CN cũng đã nhận định, Israel là nước có nền KH-CN phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xử lý nước. Các nhà khoa học Israel đã phát triển nhiều công nghệ mới để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, ô nhiễm, nâng cao chất lượng nguồn nước và các công nghệ tưới tiêu, cung cấp nước.

Không chỉ thế, ý thức tiết kiệm nước đã trở thành tôn chỉ hàng đầu ở đất nước này. Những kinh nghiệm quý giá về xử lý nước thải của Israel đáng để các cơ quan chức năng nước ta học tập và áp dụng. Vì trên thực tế, hiện nay, ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối lo của toàn xã hội. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy trong khu công nghiệp, khu chế xuất và nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục