Quy hoạch định hướng quản lý chất thải rắn tại TPHCM - Hướng tới hệ thống quản lý xanh

Sở TN-MT TPHCM đang hoàn thiện quy hoạch định hướng quản lý chất thải rắn từ nay đến năm 2020 định hướng 2030. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về mục tiêu lớn nhất của quy hoạch, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn thuộc Sở TN-MT cho biết: “Sở TN-MT mong muốn tất cả rác thải đều được tái chế, tái sử dụng hiệu quả nhất”.
Quy hoạch định hướng quản lý chất thải rắn tại TPHCM - Hướng tới hệ thống quản lý xanh

Sở TN-MT TPHCM đang hoàn thiện quy hoạch định hướng quản lý chất thải rắn từ nay đến năm 2020 định hướng 2030. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về mục tiêu lớn nhất của quy hoạch, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn thuộc Sở TN-MT cho biết: “Sở TN-MT mong muốn tất cả rác thải đều được tái chế, tái sử dụng hiệu quả nhất”.

Phân loại rác tại nguồn là ưu tiên được chọn trong việc xử lý chất thải rắn. Ảnh: Thanh Tâm

Phân loại rác tại nguồn là ưu tiên được chọn trong việc xử lý chất thải rắn. Ảnh: Thanh Tâm

Phân loại rác tại nguồn: giải pháp ưu tiên

Theo Sở TN-MT, với công nghệ hiện đại, ngày nay tất cả các loại rác đều có thể được đốt để không gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, bất lợi là chi phí cho việc này quá cao. Hy vọng trong quá trình đốt rác có thể thu năng lượng phát điện cũng không khả thi vì rác thải ở TPHCM đa phần là rác thực phẩm. Năng lượng tạo ra từ hoạt động này không lớn trong khi trong rác còn tới 15%-25% những thứ có thể tái chế được như nylon, thủy tinh, giấy…

Chính vì vậy, bước đi đầu tiên trong quy hoạch xử lý chất thải rắn được Sở TN-MT ưu tiên chọn là phân loại rác tại nguồn. Công tác phân loại rác tại nguồn đã từng được thí điểm triển khai ở quận 5, quận 6 và mới đây là tại một số chợ đầu mối và siêu thị như chợ Bình Điền, Thủ Đức… Tuy nhiên, về cơ bản, chúng chưa được triển khai rộng rãi do còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện. Nguồn vốn đầu tư cho các trang thiết bị như túi ni lông, xe lấy rác thiếu, ngân sách TPHCM không thể chi trả cho toàn bộ.

Trong quy hoạch lần này, tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, Sở TN-MT đề nghị, chi phí cho túi ni lông đựng rác người dân tự lo. Phương tiện vận tải doanh nghiệp chủ động đầu tư. Nhà nước chỉ tham gia bằng các cơ chế khuyến khích hoặc hỗ trợ lãi suất vay đầu tư. Sau phân loại rác là công đoạn tái chế rác. Sở TN-MT đề xuất ưu tiên chọn những công nghệ đảm bảo không phát sinh thêm sản phẩm phụ độc hại, các chất thải trong quá trình tái chế như khí, nước thải phải đạt tiêu chuẩn môi trường, ít sử dụng năng lượng…

Theo Sở TN-MT, nếu được phân loại từ nguồn, công tác xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp sẽ đạt được hiệu quả rất cao về cả hai mặt kinh tế và bảo vệ môi trường.

Chất thải công nghiệp có hai loại: nguy hại và không nguy hại. Nếu tác bạch ngay từ đầu hai nhóm này thì chất không nguy hại có thể xem xét và đưa đi tái chế. Doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung chỉ tốn chi phí để xử lý chất thải nguy hại. Chất thải nguy hại nếu được tồn trữ phải đặt trong các thiết bị chuyên dùng và phải đảm bảo an toàn trước khi được đưa đi xử lý. Chủ các nguồn thải này phải đăng ký với cơ quan chức năng.

Xã hội hóa công tác quét dọn vệ sinh

Hiện nay, công tác quét dọn vệ sinh trên địa bàn TP đa phần do công ty dịch vụ công ích các quận, huyện đảm trách. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của đội ngũ này, Sở TN-MT dự kiến đề xuất, từng bước xã hội hóa, đấu thầu chọn đơn vị quét dọn vệ sinh.

Kế hoạch là từ nay đến 2015 giữ nguyên hiện trạng và chuẩn bị nguồn tài chính để chuyển đổi. Bên cạnh đó, các cơ quan có chức năng phải nghiên cứu tiêu chuẩn thiết bị, cải tiến quy trình dọn dẹp vệ sinh để giảm cường độ làm việc nặng nhọc cho người lao động. Đặc biệt nghiên cứu để có phương án dọn dẹp vệ sinh vào ban ngày nhưng không ảnh hưởng xấu đến giao thông nhằm giữ gìn sức khỏe cho công nhân vệ sinh.

Từ năm 2016-2020 tổ chức đấu thầu dọn dẹp vệ sinh trên địa bàn 14 quận nội thành song hành với việc triển khai các thiết bị, các quy trình thu gom rác mới. Từ 2020-2025 mở rộng ra toàn địa bàn TP. Kinh phí cho công tác dọn dẹp sẽ lấy từ phí vệ sinh môi trường mà người dân đóng góp, từ quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu và các quỹ khác.

Công tác tập kết và trung chuyển rác cũng sẽ được tổ chức lại theo hướng xóa bỏ dần những trạm trung chuyển rác không vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và phát triển các trạm ép rác kín vệ sinh. Bán kính phân bổ các trạm ép rác kín từ 5km-10km.

TPHCM phấn đấu đến năm 2015, xây dựng, ban hành và hiệu chỉnh, bổ sung (nếu cần) tiêu chuẩn kỹ thuật cho các thiết bị lưu giữ rác. Tiêu chuẩn này áp dụng cho 100% nhà máy và cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao; 100% nhà máy trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đăng ký chủ nguồn thải và 50% nhà máy lớn áp dụng chứng từ điện tử.

Từ năm 2016-2025: Áp dụng cho 100% nhà máy và cơ sở sản xuất ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao; 100% nhà máy lớn và 70% nhà máy vừa và nhỏ trong các khu công nghiệp áp dụng chứng từ điện tử; 100% nhà máy lớn và 50% nhà máy nhỏ và vừa áp dụng chứng từ điện tử.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục