Thủy điện phải có trách nhiệm với dân vùng hạ du

Trở tay không kịp

Giữa tháng 11-2013, lại một lần nữa thủy điện xả lũ phía thượng nguồn khiến vùng hạ du ngập lụt đột ngột, bất thường và gây thiệt hại nặng nề. Đã 5 năm qua, kể từ khi thủy điện “phủ sóng” rộng khắp, đôi vai người dân nghèo vùng bão, lũ miền Trung oằn thêm gánh nặng “lũ thủy điện”.

Trở tay không kịp

Ngày 15-11, chỉ sau một ngày mưa, nhiều địa phương của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn lại bị nhấn chìm bởi lũ lớn. Hàng trăm năm qua, miền Trung sống chung với lũ, vậy mà mấy năm trở lại đây, mỗi khi mùa mưa đến, người dân lại thấp thỏm lo âu trước những “quả bom nước” có thể đổ xuống đầu bất kể lúc nào, bất kể mưa hay nắng. Đặc biệt, 2 xã Đại Lãnh và Đại Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là 2 địa phương bị 4 cơn lũ cày xới tơi bời kể từ tháng 9-2013 đến nay.

Sau cơn lũ giữa tháng 11 vừa qua, gần 100 hộ dân của 2 thôn Đại Mỹ và Thành Đại nơi thì bị nước lũ xé toạc, nơi thì cát vùi lấp. Con đường bê tông dẫn vào làng nhiều ngày qua cũng chẳng thể nào đi được vì cát vùi sâu hơn 1m. Người dân nơi đây cho biết, cả làng không ai nghĩ là có cơn lụt lần này (ngày 15-11 - PV) vì hôm đó trời mưa không lớn và chỉ mới mưa chưa được nửa ngày nhưng nước lũ dâng nhanh và chảy rất xiết. Nếu như trước đây phải mưa lớn liên tục từ 3 - 5 ngày thì mới có lụt nhưng nước lên từ từ nên người dân hoàn toàn có thể dự đoán được mức lũ để chủ động dọn tài sản, heo gà và đi sơ tán, còn nay nước lũ dâng bất thường nên ai cũng bị động trong chạy lũ.

Trong khi đó, tại xã Đại Phong (vùng B Đại Lộc), tình trạng sạt lở bờ sông do lũ gây ra ngày càng nghiêm trọng, đe dọa mạng sống, tài sản nhân dân nơi đây. Tại thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong), một đoạn khoảng 100m bờ sông Vu Gia bị lũ xé toạc mặc dù nơi đây lũy tre dày đặc.

Ông Lương Văn Dương, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong), cho biết: Kể từ khi có các thủy điện phía thượng nguồn Vu Gia, sau mỗi đợt lũ, dòng sông tăng dòng chảy, bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, cát sạt vùi lấp ruộng đồng… Đợt lũ vừa qua gây thiệt hại nặng cho thôn khi cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi, giống lúa - cây trồng, vùi lấp ruộng đồng… Vì thế, mùa vụ sắp đến sẽ rất khó khăn về giống, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thủy điện phải có trách nhiệm với dân

Đợt lũ vừa qua, chỉ riêng huyện Đại Lộc đã có 34.000 ngôi nhà bị ngập lụt, trong đó có 1.200 ngôi nhà ngập sâu từ 1,5 - 3m; hàng chục trụ sở làm việc, trường học bị lũ nhấn chìm; làm hư hại nhiều công trình giao thông, thủy lợi, lúa và hoa màu… với ước tính thiệt hại hơn 44,5 tỷ đồng.

Trao đổi với PV SGGP, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng ban PCLB huyện, cho biết: Từ khi nhiều thủy điện xây dựng trên thượng nguồn Vu Gia như Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 4, Sông Côn, An Điềm… thì cũng là lúc lũ trên sông Vu Gia bất thường và dòng chảy rất xiết gây sạt lở bờ sông, vùi lấp ruộng đồng, nhà cửa nhân dân. Từ năm 2009 đến nay, huyện Đại Lộc là nơi bị thiệt hại nặng nề do lũ gây ra.

Theo ông Tính, sở dĩ lũ ngày càng bất thường, chảy xiết hơn và nằm ngoài mọi dự báo đó là do lũ tự nhiên bị cộng hưởng với xả lũ thủy điện gây ra. Chính sự bất thường của lũ nên cả chính quyền và người dân đều bị động và trở tay không kịp mỗi khi có lũ mà có thủy điện xả lũ. Gần đây, mỗi năm lũ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho huyện Đại Lộc, đời sống nhân dân khó khăn, trong khi lợi ích thì thủy điện hưởng hết. Vì vậy, chủ các nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm với những thiệt hại của nhân dân, phải chia sẻ lợi ích cho nhân dân vùng hạ du thì mới công bằng.

“Ngoài chia sẻ lợi ích, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương phải ngừng ngay việc xây dựng thêm các dự án thủy điện ở thượng nguồn Vu Gia, Thu Bồn để giảm bớt thiệt hại cho vùng hạ du. Bây giờ mới có mấy cái thủy điện mà đã gây ra lũ bất thường khiến vùng hạ du thiệt hại nặng nề, nếu xây thêm nữa thì có ngày đại họa, lúc đó tính mạng nhân dân vùng hạ du cũng khôn lường. Lúc đó có không quân, hải quân chi cũng ứng cứu không kịp” - ông Tính phân tích.

* Ngày 20-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thăm và làm việc tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Sau khi đi thị sát tình hình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu, thiết kế và đề xuất phương án kè chống sạt lở sông Vu Gia để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân nơi đây. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam nhanh chóng hỗ trợ về giống lúa, cây trồng và con vật nuôi để người dân sớm tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Về xả lũ thủy điện, hồ chứa xả lũ là chuyện bình thường, đầy thì phải xả. Nó chỉ không bình thường khi xả không đúng với quy trình. Nếu thủy điện xả sai quy trình là phải xử lý.

Trước đó, ngày 19-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã về kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Quảng Ngãi.


* Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: mưa lớn kéo dài kết hợp với thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Bung 4A và thủy điện A Vương đã gây lũ lớn đột ngột trên địa bàn huyện. Đợt lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Đại Lộc, trong đó có 1 người chết, 30 người bị thương; cuốn trôi nhiều nhà cửa, công trình, lúa và hoa màu… với tổng thiệt hại ước tính lên đến gần 45 tỷ đồng.

NGUYÊN KHÔI - HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục