Phải thay đổi quan điểm về cơ cấu kinh tế tỉnh

Phải thay đổi quan điểm về cơ cấu kinh tế tỉnh

Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”!

LTS: Liên tiếp trong các số báo ra ngày 18, 19, 20, 21-11-2013, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài “Sông Sài Gòn-Đồng Nai đang “chết”!”. Loạt bài này không chỉ báo động khẩn cấp tình trạng ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng trên hệ thống sông này mà còn phân tích rõ các nguyên nhân, tìm kiếm và đề xuất các giải pháp mang tính khả thi. Ngày 21-11, bên hành lang Quốc hội, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, một trong những người có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với vấn đề này đã trả lời phỏng vấn PV Báo SGGP về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. TS Trần Du Lịch cho biết:

Hiện tại chúng ta đã có Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Tôi cho rằng, các cơ quan này cần phải điều phối giải quyết, phải xử lý 4 vấn đề cơ bản nhất.

Một là phân bố lại toàn bộ lực lượng sản xuất, tức là quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ trên quy mô vùng chứ không chỉ ở địa phương.

Hai là phối hợp trong xây dựng kết cấu hạ tầng chung của toàn vùng.

Ba là đào tạo và phân bố nguồn nhân lực toàn vùng, liên quan đến tình hình nhập cư và phân bố dân cư đô thị...

Bốn là bảo vệ môi trường chung.

Đường ống xả thải của một nhà máy sản xuất phụ tùng cao su tại huyện Củ Chi, TPHCM, bên dưới là dòng nước đen ngòm chảy ra sông Sài Gòn-Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Quý

Đường ống xả thải của một nhà máy sản xuất phụ tùng cao su tại huyện Củ Chi, TPHCM, bên dưới là dòng nước đen ngòm chảy ra sông Sài Gòn-Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Quý

- PV: Dường như công tác điều phối đó chưa đạt được hiệu quả mong muốn, thưa ông?

>> Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH: Đúng là việc thực hiện chưa thật hiệu quả, sự phối hợp cũng còn thưa thớt, chưa chặt chẽ, khiến cho người dân bức xúc, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường. Thực sự thì môi trường có sự liên quan rất chặt chẽ đến quy hoạch sản xuất vùng. Cứ bố trí các nhà máy sản xuất đầu nguồn nước, rồi nơi nào cũng làm khu công nghiệp, làm nhà máy thì không thể nào giữ cho nguồn nước trong sạch được. Mới đây tôi có dịp đi tìm hiểu về nguồn nước của Nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn, TPHCM) và được biết là chi phí xử lý nước ở đó tăng cao do họng nước đã bị ô nhiễm. Tóm lại, cái gốc của vấn đề vẫn là phân bố sản xuất trong toàn vùng.

- Nhưng việc này rất khó, bởi lẽ các tỉnh đầu nguồn cũng đứng trước yêu cầu phải phát triển kinh tế xã hội, họ không thể cứ mãi giữ rừng và... giữ nghèo - như lời một vị lãnh đạo tỉnh Đắk Nông?

Đúng! Việc liên quan đến câu chuyện rất lớn là liên kết giữa các địa phương và cơ chế phân bổ nguồn lực.

- Ông có cho rằng hiện nay quan hệ liên kết giữa các địa phương mới chỉ thiên về kinh tế đầu tư mà chưa chú trọng thích đáng đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là môi trường?

Như TPHCM, nếu liên kết với các tỉnh miền Trung thì chủ yếu để phối hợp đầu tư, giao thương phát triển kinh tế là đúng rồi. Nhưng với các tỉnh trong vùng như đã nói thì đó phải là sự hợp tác toàn diện. Từ góc nhìn của người nghiên cứu, tôi đã nói từ rất lâu rằng, chừng nào chúng ta còn duy trì kiểu quản lý 63 tỉnh, thành như “63 nền kinh tế” thì còn nhiều bất ổn. Sự phát triển bền vững phải được đặt nền tảng trên lợi ích quốc gia, lợi ích vùng. Tỉnh nào cũng lo GDP, cũng tự quy hoạch, phê duyệt riêng thì tất yếu sẽ phá vỡ cơ cấu vĩ mô. Tái cơ cấu kinh tế có một nội dung quan trọng là chỗ đó: quản lý theo vùng chứ không phải riêng lẻ từng địa phương.

- Quay lại việc bảo vệ môi trường nước lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, ông có khuyến nghị gì?

Hiện nay định chế quản lý vùng đã có, phụ trách chung là Chính phủ, có Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Vấn đề là xác định rõ trách nhiệm và cơ chế điều phối để nâng cao hiệu quả hoạt động mà thôi. Tôi vẫn muốn nhắc lại là phải thay đổi quan điểm, nhận thức về cơ cấu kinh tế địa phương. Phải suy nghĩ trên lợi ích của toàn vùng, từ đó tính chuyện quy hoạch phát triển thế nào, điều tiết nguồn lực, chia sẻ lợi ích ra sao. Chứ cứ giao cho từng địa phương tự lập quy hoạch, tự phê duyệt, tự kiểm tra... thì không bao giờ giải quyết rốt ráo bài toán này.

  • TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội: Phát triển kinh tế xanh là yêu cầu tất yếu

Quan niệm “phát triển xanh là cuộc chơi tốn kém, chỉ nên nghĩ đến khi đất nước đã giàu”, hay nói cách khác là cứ phát triển đi đã, giàu mạnh rồi khắc phục môi trường sau là phiến diện. Vì cứ phát triển trước, đến lúc đi khắc phục mới thấy là cái giá phải trả quá đắt, không chỉ là chi phí tài chính mà còn là sức khỏe, là chất lượng giống nòi, là sinh kế của nhiều thế hệ...


  • Ông Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Hạn chế những dự án ảnh hưởng môi trường

Đồng Nai là một tỉnh phát triển công nghiệp. Chủ trương của Đảng bộ, HĐND tỉnh trong vấn đề này rất rõ, đó là thu hút đầu tư vào các KCN nhưng kiên quyết không cấp phép cho những dự án ảnh hưởng đến môi trường nói chung, môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai nói riêng. Chúng tôi luôn kiên định thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo mô hình tăng trưởng xanh. Không phải các DN ở Đồng Nai đều đã thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động có thể có những sự cố nhất định, nhưng phải được phát hiện, xử lý kịp thời. Tôi thấy sau một số vụ việc, vừa qua chính quyền tỉnh và cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm tra, sử dụng các biện pháp quan trắc kỹ thuật thường xuyên và xử lý vi phạm khá quyết liệt.

Lần này trong chương trình lập pháp của Quốc hội có Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tôi cho rằng phải thể chế hóa những ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung và đổi mới công nghệ, từ đó xử lý chất thải tập trung để đảm bảo chất lượng xử lý, giảm chi phí cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

  • Ông Mai Hữu Tín, ĐBQH tỉnh Bình Dương: Chất lượng nguồn nước đang ngày càng xấu đi

Không chỉ riêng hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai mà các con sông lớn của Việt Nam chúng ta hiện đều có vấn đề trong việc sử dụng nguồn nước và bảo vệ môi trường nước. Chúng ta có quan tâm nhưng chưa đầu tư đúng mức vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên rất quan trọng này. Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, theo tôi biết, đã hết sức cố gắng trong khả năng của mình. Nhưng thực tế cho thấy chất lượng nguồn nước của khu vực này vẫn đang ngày càng xấu đi.

Tôi cho rằng, việc không cho phép đầu tư sản xuất ngoài các khu công nghiệp tập trung mà Bình Dương thực hiện trong vài năm qua là một hướng đi đúng nhằm kiểm soát ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hoạt động theo giấy phép của các cơ quan cấp huyện - thị xã, cụ thể nhất là trong ngành giấy, cần được quản lý chặt chẽ hơn. Các cơ sở này hoàn toàn không có hệ thống xử lý nước thải và gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm trong khu vực họ hoạt động. Họ di chuyển liên tục, thậm chí là vào sâu trong các nông trường cao su, để trốn tránh sự kiểm soát và vô tư xả thải.

BẢO ANH (ghi)

ANH THƯ (thực hiện)

- Bài 4: Hợp nhất quản lý

Tin cùng chuyên mục