Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Nỗi lo tái ô nhiễm

Tràn lan quán nhậu
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Nỗi lo tái ô nhiễm

Để có được dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sạch và đẹp như ngày nay, hơn 5.000 hộ gia đình đã phải di dời đến sinh sống tại nhiều nơi khác, hơn 300 triệu USD từ ngân sách được đầu tư và mất hơn 10 năm để hoàn tất việc thi công, cải tạo. Thế nhưng, hiện nay dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang đối diện với nỗi lo tái ô nhiễm do sự thiếu ý thức của một số người…

Công nhân vệ sinh vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: Thái Bằng

Công nhân vệ sinh vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: Thái Bằng

Tràn lan quán nhậu

Đi dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào thời điểm 16 giờ trở đi. chúng tôi ghi nhận có rất nhiều đoạn kênh đã bị lấn chiếm thành bãi giữ xe. Xe để tràn trên bờ kênh, thậm chí có những đoạn xe để lấn xuống lòng đường. Xe không chỉ của khách đến quán nhậu mà còn của hàng chục “cần thủ” đang câu cá tại kênh. Đơn cử, tại đoạn qua địa phận phường 11, quận 3, TPHCM (gần cầu số 6), nhiều quán nhậu đã ngang nhiên sử dụng bờ kênh như bãi giữ xe riêng. Ông Hoàng Nguyên Anh, người dân sinh sống trên đường Hoàng Sa (quận 3) bức xúc, tuyến kênh được gia cố hàng rào, trồng thêm cây xanh trông rất mát mẻ, nên tối nào người dân cũng đi dạo hai bên bờ kênh. Thế nhưng từ khi cảnh quan tuyến kênh đẹp lên thì các quán nhậu cũng mọc lên như nấm. Họ tự ý biến khu vực công cộng dọc hai bên bờ kênh thành bãi giữ xe riêng mình. Chúng tôi tập thể dục buổi tối phải đi vòng tránh bãi xe, rất bất tiện.

Ngoài thực trạng ăn nhậu, chiếm dụng bờ kênh làm bãi giữ xe trái phép… thì tình trạng xả rác xuống lòng kênh của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn tồn tại. Rác thải trôi rải rác hoặc kết thành những tảng lớn vẫn trôi bồng bềnh, đeo bám dọc bờ kênh. Tại những khu vực chân cầu nơi dòng nước lưu thông chậm là nơi lưu chứa lượng rác thải nhiều nhất. Chẳng hạn, tại cửa thu nước trên đường Lê Bình giao nhau với Hoàng Sa (quận Tân Bình), rác đóng thành từng tảng, bốc mùi hôi tanh khủng khiếp. Tại những nơi rác đóng tảng cũng là nơi có nhiều người câu cá tập trung nhất. Anh Nguyễn Minh Chính, một người câu cá (ngụ tại đường Thành Thái, quận 10) cho biết, tại những đoạn kênh rác đóng thành tảng lớn thường có nhiều cá hơn những khu vực khác. Khi chúng tôi hỏi, thành phố có chủ trương cấm câu cá để đảm bảo chất lượng nguồn nước kênh luôn xanh, sạch. Dọc hệ thống kênh cũng có nhiều bảng cấm câu cá nhưng sao vẫn có nhiều người câu cá tập trung tại đây thì phần lớn họ chỉ cười. Thực tế cấm cứ cấm, còn câu cứ câu.

Các “cần thủ” câu cá cạnh đống rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn đường Hoàng Sa cắt Lê Bình (quận Tân Bình, TPHCM).

Các “cần thủ” câu cá cạnh đống rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn đường Hoàng Sa cắt Lê Bình (quận Tân Bình, TPHCM).

Xả rác xuống kênh

Trao đổi về thực trạng rác ngập dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, hiện trung bình hai ngày một lần, công nhân của công ty vớt khoảng hơn 9 tấn rác thải trên dọc tuyến kênh. Thành phần rác rất phức tạp và khó xử lý. Phần lớn rác thải là đồ nội thất gia đình như ghế, bàn, giường… Số khác là xác, nội tạng động vật và rác thải sinh hoạt thông thường. Điều này cũng lý giải tại sao tại những nơi rác đọng thường có rất nhiều cá tập trung. Công ty đã phối hợp với các đơn vị liên quan để xác định nguồn thải rác thải ra kênh. Kết quả cho thấy, hiện tổng diện tích mặt nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khoảng hơn 300.000m2. Dọc hệ thống kênh có đến 9 cây cầu bắt ngang qua. Vào sáng sớm hoặc chiều tối, một số người thường đứng trên thành cầu vứt rác xuống kênh. Hành vi của họ thường rất nhanh nên khó phát hiện, xử lý.

Đại diện Sở TN-MT TPHCM cho biết, đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động các hộ gia đình sống dọc theo kênh hoặc những khu vực lân cận không vứt rác xuống kênh. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác vận động tuyên truyền vẫn còn rất hạn chế. Mặt khác, những đối tượng đứng trên thành cầu vứt rác xuống kênh thường là khách vãng lai nên cũng khó xác định.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường 11, quận 3 cho biết, các trường hợp câu cá, xả rác, giữ xe trái phép… trên địa bàn đều bị kiểm tra và xử lý. Tuy nhiên, riêng trường hợp các quán ăn lấn chiếm bờ kênh làm bãi giữ xe có nguyên nhân sâu xa từ việc thiếu mặt bằng. Trước đây, khi đăng ký kinh doanh, các hộ này có trình Phòng Kinh tế quận 3 phương án giữ xe cho khách. Tuy nhiên, sau khi phóng tuyến, mở rộng con đường hai bên kênh thì diện tích mặt bằng của các quán này bị co lại. Do vậy, thiếu bãi giữ xe. Bên cạnh ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt thì trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng cần phải được xem xét lại.

Ông Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh thêm, để có thể giữ được dòng kênh không rác, ít nhất TPHCM phải chi khoảng 5 tỷ đồng/năm để đảm bảo công tác vớt rác. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Còn giải pháp bền vững là cần thiết phải giải tỏa hết những hộ hiện đang còn sống dọc kênh. Và quan trọng hơn là phát huy vai trò tự quản, phát hiện và đề xuất xử phạt những trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường của những người dân sống dọc theo kênh. Có như vậy mới mong giữ được thành quả cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

  • Phó Chủ tịch UBND TPHCM - Nguyễn Hữu Tín

"Việc tạo dựng dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được như ngày nay là cả một sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kiên trì thực hiện hơn 10 năm. Thế nhưng, sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân đã và đang khiến con kênh một lần nữa có nguy cơ tái ô nhiễm"

MINH XUÂN - NGÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục