Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Sắp hoàn thành… 50%

Ra nước ngoài kêu gọi đầu tư
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Sắp hoàn thành… 50%

Tuần qua, lãnh đạo TPHCM cùng các cơ quan chức năng đã có cuộc họp chuẩn bị cho việc thông xe đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu. Như vậy, sau gần 20 năm “kỳ công” tìm kiếm nhà đầu tư và triển khai dự án xây dựng một trong những trục đường lớn nhất, giờ đây chúng ta đã có thể chứng kiến thành quả!

Sắp thông xe một phần đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Ảnh: Cao Minh

Sắp thông xe một phần đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Ảnh: Cao Minh

Ra nước ngoài kêu gọi đầu tư

Những ngày này, đi qua nút giao thông Nguyễn Thái Sơn thật dễ chịu. Đường rộng thênh thang… không còn cảnh chen chúc đợi qua nút với khói xe đặc quánh, mịt mù. Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài trải dài, hút tầm mắt người đi đường. Ước mơ của người dân về một con đường mới, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông cho toàn khu vực… đang dần trở thành hiện thực.

Để có được thành quả ngày hôm nay, cách nay gần 20 năm, TPHCM đã khởi động quá trình kêu gọi đầu tư. Không chỉ ở trong nước, dự án còn được đưa ra chào mời các nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng năm 1996 - 1997 những tưởng thành phố đã tìm được nhà đầu tư đến từ Malaysia… Thế nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, nhà đầu tư xin rút… Mọi việc phải làm lại từ đầu. Đến mãi những năm 2002 - 2003, trong một chuyến công tác tại Hàn Quốc và với sự kiên trì trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cho trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, lãnh đạo thành phố đã kêu gọi được Tập đoàn GS (Engineering Contruction) đầu tư dự án với hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có tổng chiều dài 13,6km đi qua 4 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Điểm đầu của tuyến đường xuất phát từ nút giao thông Trường Sơn (sân bay Tân Sơn Nhất) và điểm cuối tại nút giao Linh Xuân ở quận Thủ Đức kết nối với quốc lộ 1. Toàn tuyến có chiều rộng từ 30m - 60m, tùy đoạn. Trên tuyến có 3 cây cầu: Bình Lợi, Rạch Lăng, Gò Dưa và 2 nút giao thông lớn: nút giao thông Nguyễn Thái Sơn, nút giao với quốc lộ 1. Tổng vốn đầu tư toàn công trình khoảng 340 triệu USD.

Chính số vốn đầu tư khổng lồ này là khó khăn lớn nhất của TPHCM trong việc kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến đường trên. Ngay cả khi kêu gọi được Tập đoàn GS, TPHCM cũng đã phải linh hoạt đổi lại bằng việc cho Tập đoàn GS khai thác một số quỹ đất nhằm hoàn trả lại chi phí đầu tư cho đơn vị này. Với nguồn kinh phí dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trung bình mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu, đây là phương án thu hút đầu tư tối ưu trong giai đoạn qua của TPHCM.

Giải tỏa áp lực giao thông, tăng cường kết nối

Không phải ngẫu nhiên TPHCM phải liên tục nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Trục đường này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thành phố và toàn vùng TPHCM. Không những trục đường giúp giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức mà còn kết nối TPHCM một cách thông suốt, thuận tiện với các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương…

Đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu chỉ khoảng 5km trong tổng số 13,6km của toàn tuyến, thế nhưng khi được đưa vào sử dụng, dự kiến vào cuối tháng 9 này, sẽ có tác động rất lớn đến giao thông toàn khu vực Gò Vấp, Bình Thạnh, đặc biệt ở các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ…. Người dân có thể sử dụng đoạn đường từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu của trục đường này để đi từ khu vực cầu Bình Triệu đến thẳng sân bay Tân Sơn Nhất, thay vì phải đi vòng các tuyến đường nêu trên. Ông Bùi Xuân Cường ước tính, với hướng đi mới này sẽ giúp người dân tiết kiệm khoảng 50% đoạn đường phải đi.

Còn tới hơn 50% khối lượng công việc nữa phải thực hiện cho tới khi toàn trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài hoàn thành. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với dự án là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa xong (đoạn chủ yếu thuộc quận Tân Bình). Sở GTVT cho hay, nếu việc này được tiến hành theo đúng kế hoạch, toàn trục đường sẽ hoàn thành vào năm 2014. Thời điểm ấy, giao thông ở khu vực Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức hướng tới sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bước sang một giai đoạn mới…

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục