Vì sao cứ mưa là ngập?

Suốt 3 ngày qua (từ thứ hai ngày 29-9 tới thứ tư ngày 1-10), rất nhiều khu vực tại quận 6, 8, huyện Bình Chánh của TPHCM đã chìm sâu trong nước. Nguyên nhân được Trung tâm Chống ngập TPHCM xác định là do cơn mưa tối thứ hai quá lớn, vũ lượng lên tới hơn 170mm, trong khi đó hệ thống thoát nước khu vực này có công suất thiết kế chỉ đáp ứng được cơn mưa có vũ lượng khoảng 86mm với thời gian mưa 3 giờ.
Vì sao cứ mưa là ngập?

Suốt 3 ngày qua (từ thứ hai ngày 29-9 tới thứ tư ngày 1-10), rất nhiều khu vực tại quận 6, 8, huyện Bình Chánh của TPHCM đã chìm sâu trong nước. Nguyên nhân được Trung tâm Chống ngập TPHCM xác định là do cơn mưa tối thứ hai quá lớn, vũ lượng lên tới hơn 170mm, trong khi đó hệ thống thoát nước khu vực này có công suất thiết kế chỉ đáp ứng được cơn mưa có vũ lượng khoảng 86mm với thời gian mưa 3 giờ.

Trưa 1-10, đường Hồ Học Lãm vẫn ngập sâu. Ảnh do ông Trần Hà Lan, Giám đốc Cảng sông Phú Định, gửi đến Báo SGGP.

Ngày 1-10 gặp phóng viên, ông Hồ Văn Hưởng, Chủ nhiệm HTX Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết, hơn 2 ngày qua, mọi hoạt động của đơn vị tại Bến xe Miền Tây gặp khó vì nước ngập dâng cao hơn nửa mét. Trên đường về quận 1 để trao đổi với phóng viên, khi đi qua đường Võ Văn Kiệt, đoạn gần với đường Hồ Học Lãm, ô tô của ông cũng phải chật vật lưu thông vì gần như toàn bộ làn đường dành cho xe gắn máy 2 bánh trên đường Võ Văn Kiệt đã bị ngập nước. Xe gắn máy 2 bánh không có đường lưu thông phải lấn qua làn của ô tô khiến cho nhiều ô tô phải nhường một phần đường cho xe gắn máy.

Buổi sáng cùng ngày, ông Trần Hà Lan, Giám đốc Cảng sông Phú Định - đơn vị đóng trụ sở ngay gần đường Hồ Học Lãm, đã bức xúc gửi nhiều tấm hình ghi nhận tình hình ngập nước ở đây cho Báo Sài Gòn Giải Phóng. Tình trạng ngập ở khu vực này nặng nề đến mức, đã không ít lần ông Trần Hà Lan phải cho nhân viên nghỉ làm vì nước ngập gần tới thắt lưng quần, hàng hóa không thể chuyên chở đi được, cảng gần như phải ngưng công tác xếp dỡ. Cơn mưa thứ hai ngày 29-9 làm cả khu vực gần cảng sông Phú Định ngập sâu tới gần 1m và cho đến trưa thứ tư ngày 1-10 vẫn còn nhiều điểm nước mưa ngập tới hơn 10cm.

Khu vực quận 6, 8 và huyện Bình Chánh là những khu vực thấp của TPHCM. Nơi đây đã được TPHCM đầu tư xây dựng nhiều hệ thống cống thoát nước mới, như hệ thống cống thoát nước trong lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, khu vực Hàng Bàng… Tuy nhiên, khu vực này cũng như nhiều khu vực khác của thành phố, việc đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước mới chủ yếu tuân theo quy hoạch thoát nước của TPHCM được xây dựng từ năm 2001.

Theo quy hoạch này, hệ thống cống thoát nước của thành phố chỉ có thể đáp ứng được cho những cơn mưa có vũ lượng khoảng 70 - 80mm và những cơn triều có đỉnh triều 1,32m. Trong khi đó, nhiều cơn mưa hiện nay có vũ lượng đã vượt ra con số nêu trên và đỉnh triều đã có lúc lên cao gần 1,6m.

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm chống ngập TPHCM, chính vì tồn tại trên, hiện nay thành phố đang triển khai thêm nhiều giải pháp chống ngập, thoát nước khác, hỗ trợ cho hệ thống cống. Xây dựng đê bao ở khu vực Hóa Môn, Củ Chi, xây hồ điều tiết ở Thủ Đức, khu vực Phú Lâm… là những công trình chống ngập nằm trong mục tiêu này.

TPHCM hiện còn khoảng 10 điểm ngập nằm rải rác trên đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Nguyễn Văn Quá... Riêng tình trạng ngập nước trên đường Võ Văn Kiệt - tuyến đường vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu, cơ quan làm công tác quản lý tuyến đường này đang nghiên cứu và xử lý.

HOÀNG YẾN

Tin cùng chuyên mục