Xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải rắn và nước thải đô thị

Tại hội nghị các bộ trưởng môi trường Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra ngày 27-10 ở TPHCM, một vấn đề quan ngại đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu của nhiều nước tham dự đó là an ninh rác và nước thải tại Việt Nam.

Hội nghị các bộ trưởng môi trường Việt Nam - Hàn Quốc

Tại hội nghị các bộ trưởng môi trường Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra ngày 27-10 ở TPHCM, một vấn đề quan ngại đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu của nhiều nước tham dự đó là an ninh rác và nước thải tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam vẫn còn trên 20% khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các khu xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt xử lý chất thải nguy hại tập trung còn thiếu và chỉ được thực hiện ở các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. 85% đô thị đang sử dụng các bãi chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh và chỉ khoảng 9% đô thị có nhà máy xử lý rác thải, kết hợp chế biến phân hữu cơ; 70% làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, dẫn tới phát sinh nhiều chất thải, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, ô nhiễm nước thải bao gồm nước thải công nghiệp, y tế, làng nghề cũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Thiếu đồng bộ trong hạ tầng thu gom và xử lý chất thải nói chung đã khiến người dân, nhất là những người đang sống tại thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội hứng chịu ô nhiễm kép từ các loại chất thải độc hại và ngập úng thường xuyên. Cải thiện thực trạng này là vấn đề hết sức cấp thiết nhưng không dễ làm vì đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ. Đại diện Cục Hạ tầng xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, từ nay đến năm 2020, để có thể đạt những mục tiêu như 100% người dân được cấp nước sạch, 100% chất thải rắn được thu gom và xử lý (trong đó có 40% chất thải rắn tái chế) và đặc biệt là giảm hiệu quả tình trạng ngập úng thường xuyên thì tổng nhu cầu vốn đầu tư cho cấp nước là 98.500 tỷ đồng, thoát nước 155.000 tỷ đồng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị 60.100 tỷ đồng. Một con số quá lớn so với ngân sách hiện nay. Chính vì vậy, để có thể vừa đạt được mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường sống, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách, Chính phủ đã quyết định thực hiện xã hội hóa đầu tư nhiều dự án hạ tầng cấp thoát nước và xử lý chất thải. Điều đáng nói, rất nhiều dự án tại TPHCM cũng như tại nhiều tỉnh thành đã được đưa ra từ năm 2010 đến nay nhưng rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Nhiều dự án kêu gọi đầu tư

Dự án cấp thoát nước Nhà máy cấp nước Sông Hậu 1 công suất giai đoạn 1 là 500.000m³/ngày, giai đoạn 2 là 500.000m³/ngày tại TP Cần Thơ; Nhà máy cấp nước Sông Hậu 2 với giai đoạn 1: 1.000.000m³/ngày đêm, giai đoạn 2: 2.000.000m³/ngày tại Châu Thành, Long An; Nhà máy nước Sông Đuống 300.000m³/ngày đêm tại xã Phù Đổng và Trung Màu, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội; Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn 2 với công suất 300.000m³/ngày.

Với dự án xử lý chất thải rắn có Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn - Sóc Sơn, Hà Nội 140ha; Khu xử lý chất thải rắn Hương Văn - Hương Trà, Thừa Thiên - Huế 40ha; Khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên - Bình Sơn, Quảng Ngãi 70ha; Khu xử lý chất thải rắn Cát Nhơn - Phù Cát, Bình Định 70ha; Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, TPHCM 100ha; hệ thống xử lý nước thải KCN và khu phi thuế quan thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, công suất 35.000m³/ngày đêm và Khu xử lý rác thải phía Tây Tiền Giang 30ha.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục