TPHCM xây dựng nông thôn mới: Tập trung cải thiện môi trường

Khó đạt vì có quá nhiều tiêu chí
TPHCM xây dựng nông thôn mới: Tập trung cải thiện môi trường

Đảm bảo môi trường sống xanh, sạch là một trong những tiêu chí để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tiêu chí này chỉ có thể thực hiện được khi có sự hợp tác của chính người dân sở tại. Thế nhưng, chính sự hợp tác còn thiếu tích cực từ phía người dân khiến cho các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi triển khai chương trình này.

Nuôi heo tại TPHCM phải có hầm biogas... mới đạt tiêu chí môi trường. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Khó đạt vì có quá nhiều tiêu chí

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để đạt tiêu chí nông thôn mới ở TPHCM, các quận huyện đảm bảo tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch phải đạt 100%. Nước sạch phải đạt tiêu chuẩn quốc gia là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc phải đáp ứng yêu cầu không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính quyền địa phương phải hướng dẫn, phổ biến cho người dân trong khu vực các biện pháp xử lý và bảo vệ nguồn nước cho hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, nước thải từ các khu chăn nuôi phải được thu gom không đổ ra sông ngòi, kênh rạch hay khu vực giếng khoan khai thác nước dưới đất để tránh tình trạng nước thải thấm nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước. Khoảng cách từ hoạt động chăn nuôi đến bệnh viện, trường học, khu dân cư, nguồn nước mặt tối thiểu là 100m; khu vực chăn nuôi phải có hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn. Đồng thời, phải có hệ thống biogas hoặc hệ thống hầm lắng lọc. Nước thải sau khi qua hầm biogas phải được khử trùng trước khi thải ra môi trường.

Riêng đối với các cơ sở sản xuất phải có cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, báo cáo tác động môi trường, giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải hoặc có các biện pháp giảm thiểu chất thải đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Đối với hộ kinh doanh, không được đổ nước thải ra môi trường, phải có hầm tự hoại hoặc xử lý lắng lọc. Hệ thống kênh rạch phải thông thoáng, không có tình trạng rác ứ đọng trên kênh, không có bãi rác tự phát, tồn đọng gây mất vệ sinh môi trường. Phải có hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải nguy hại…

Thế nhưng, thực tế triển khai không phải dễ dàng. Đại diện UBND huyện Hóc Môn cho biết, đơn cử như để đảm bảo hệ thống kênh rạch không có rác thải thì phải ngăn chặn hành vi xả rác thải của người dân. Thế nhưng ngăn chặn bằng cách nào cho hiệu quả hơn ngoài việc vận động tuyên truyền thì chưa có. Dù biết rằng, quy định xử phạt hành vi xả rác ra kênh rạch đã có nhưng lực lượng nào chịu trách nhiệm xử phạt vấn đề này thì luật lại không quy định. Hơn nữa, hành vi vi phạm môi trường này của người dân thường diễn ra rất nhanh, nếu lực lượng kiểm tra đến cũng rất khó xử phạt vì không bắt quả tang hành vi vi phạm. Còn với quận 12 và Bình Tân thì khó khăn hiện nay chính là tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất. Chính quyền địa phương đã nhiều lần áp dụng hình thức phạt tiền, buộc tạm ngưng hoạt động nhưng cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm của các cơ sở sản xuất tại đây. Gần đây, UBND TPHCM đề nghị đưa các cơ sở này vào danh sách di dời nhưng di dời đến đâu thì lại chưa xác định. Đồng thuận với vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu thành phố không tạo ra được điểm đến an toàn về môi trường cho các cơ sở này thì việc di dời cũng chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Đại diện UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn cho biết, để thực hiện tốt những tiêu chí này cần phải có sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân. Trước mắt, cần phải xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn cấp xã, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn xóm. Song song đó, kết hợp việc xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải, nâng cấp nghĩa trang, cải tạo, xây dựng các ao hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các khu công cộng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Với các hộ nông dân, cần tăng cường hỗ trợ ứng dụng các mô hình canh tác mới thân thiện với môi sinh, môi trường. Trong đó, có thể khuyến khích người dân trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng GAP. Đồng thời, cần đặc biệt nghiêm cấm các hành vi vi phạm môi trường phát sinh từ cộng đồng dân cư như xả rác xuống kênh rạch, hủy hoại nguồn lợi thủy sản trên sông và nội đồng như phương pháp sử dụng xung điện, chất nổ để đánh bắt thủy hải sản. Việc hạn chế hành vi này ngoài biện pháp vận động thì rất cần áp dụng biện pháp xử phạt kinh tế. Riêng với các cơ sở sản xuất thường xuyên có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thì ngoài việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên cần sớm bố trí điểm đến an toàn môi trường cho họ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, nông thôn TPHCM là vùng ven của đô thị nên có những đặc thù riêng biệt. Do đó, ngay khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn, thành phố xác định đây không đơn thuần chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hay nâng cao thu nhập mà còn tạo tiền đề và nền tảng để người dân được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao dân trí, nhận thức văn hóa... một cách đầy đủ. Thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm song song những điều kiện vật chất cơ bản nhất để giúp người dân cải thiện cuộc sống, góp phần đáp ứng các tiêu chí của nông thôn mới. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc xây dựng nông thôn mới là để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, khi ấy người dân được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là chủ thể vừa là người thực hiện, đồng thời cũng là người thụ hưởng. Do đó, nếu chỉ có chính quyền là người thực hiện mà thiếu sự hợp tác của người dân như hiện nay thì rất khó để đạt được mục tiêu đề ra.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục