Trông chờ ý thức người dân?

Kênh rạch nào cũng bị rác lấp
Trông chờ ý thức người dân?

Cải thiện thực trạng rác lấp kênh rạch

Việc UBND TPHCM ngưng hoạt động thu gom rác trên hệ thống kênh rạch với mong muốn người dân  sẽ phải ý thức hơn với  hành vi xả thải rác trên kênh rạch của mình. Thế nhưng, sau hơn 3 năm kể từ ngày ngưng thu gom rác trên kênh rạch, ngoại trừ một số tuyến kênh chính, gần như toàn bộ hệ thống kênh rạch TP đã lâm vào tình trạng “chết lâm sàng” vì nghẽn rác.

Rạch Bàu Trâu quận 6 TPHCM bị “chết” vì… rác!.

Kênh rạch nào cũng bị rác lấp

Chuyên gia thủy lợi của Chính phủ Hà Lan chia sẻ, tuy mới triển khai nghiên cứu hệ thống kênh rạch của TP chưa lâu nhưng cũng đủ để thấy lượng rác trên kênh rạch của TP rất nhiều. Tại một số khu vực kênh rạch được coi là điểm nóng như rạch Cầu Dừa và Cầu Bông quận Bình Thạnh, rạch Bàu Trâu quận 6… rác đã chặn nghẽn dòng chảy. Thậm chí, người dân có thể đi lại trên kênh rạch vì rác đã đặc cứng. Chưa kể, thành phần rác thải trên hệ thống kênh rạch của TP cũng rất đáng quan ngại.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM cho biết, nếu chỉ đơn thuần là rác thải thì dễ cho công tác trục vớt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lục bình phát sinh rất nhiều trên toàn bộ hệ thống tuyến kênh rạch TP. Rễ lục bình quyện lẫn với rác thải đã khiến cho công tác trục vớt rác hết sức khó khăn. Như tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công ty được giao vớt rác với tần suất 2 ngày/lần. Nhưng lượng rác phát sinh quá nhiều, khoảng 9 tấn/ngày nên công ty phải tăng tần suất vớt 1 ngày/lần. Đó là chưa kể, còn hàng trăm tuyến kênh rạch khác đang phải tiếp nhận hàng tấn rác thải mỗi ngày mà chưa được thu gom.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng báo động, ngoài lượng rác thải sinh hoạt, hiện tại kênh rạch TP còn bị biến thành bãi tiếp nhận chất thải công nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ. Dễ thấy nhất là trong thành phần rác thải của kênh rạch chứa rất nhiều tạp chất như bàn ghế cũ, nệm, sofa, vải vụn, simili, xà bần… Đơn cử như tại quận Tân Phú, chính quyền địa phương đã không ít lần phát hiện nhiều xe chở chất thải công nghiệp lét lút đổ ra hệ thống kênh rạch trong khoảng thời gian từ 22 giờ - 2 giờ sáng.

Không thể trông chờ sự tự giác

Lý giải thực tế tại sao lượng rác ngập đầy, tắc nghẽn hệ thống kênh rạch của TP, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM khẳng định, luật đã quy định cho phép phạt từ 300.000 - 500.000 đồng với hành vi xả rác xuống kênh rạch và cống rãnh. Tương tự, phạt 3 - 5 triệu đồng nếu cá nhân, tổ chức xả xà bần xuống khu vực công cộng, nhất là hệ thống kênh rạch. Thế nhưng, cho đến nay quy định trên vẫn chỉ nằm trên giấy vì không có cơ quan chức năng nào xây dựng đội ngũ để thực thi quy định này.

Thực tế khác, việc thu gom rác hiện đang bị phân tán bởi lực lượng thu gom rác dân lập và công lập. Với lực lượng thu gom rác công lập thì còn kiểm soát được việc tập kết rác thải đúng địa điểm quy định, còn với lực lượng thu gom rác thải dân lập thì không có biện pháp quản lý nào để buộc họ phải đưa rác đã thu gom từ hộ gia đình đến những điểm tập kết quy định. Do vậy, có thực trạng là tiện chỗ nào họ đỗ rác chỗ đó. Trong đó, không ngoại trừ sau khi nhận rác hộ gia đình thì đổ luôn xuống kênh rạch gần đó.

Khảo sát của các chuyên gia Hà Lan cho thấy, việc có quá nhiều nhà dọc tuyến kênh rạch cũng đang là nguyên nhân khiến cho lượng rác kênh rạch ngày càng nhiều. Người dân sống tại khu vực trên kênh rạch thường có thói quen vứt rác xuống kênh; tâm lý không muốn đóng tiền rác. Và cuối cùng là họ đều nghĩ, rác vứt xuống kênh sẽ trôi mất. Tuy nhiên, thực tế không phải như thế. Hiện tại rác trên kênh rạch của TP thường luân chuyển từ kênh rạch nhỏ ra kênh rạch lớn. Đơn cử như rác từ rạch Cầu Bông, Cầu Dừa trôi ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Còn rác rạch Bàu Trâu thì trôi ra kênh Tân Hóa - Lò Gốm...  Số lượng rác trôi được ra kênh lớn thì đã được một số đơn vị có chức năng thu gom. Thế nhưng, lượng lớn rác chìm xuống dưới đáy kênh hoặc vướng không trôi ra kênh lớn được, đọng lại tại các kênh nhỏ gây nên tình trạng tắt nghẽn dòng chảy.

Các chuyên gia Hà Lan cũng khẳng định, với hành vi ứng xử với rác thải hiện nay cho thấy, TPHCM chưa thể trông chờ vào ý thức của người dân để cải thiện và bảo vệ chất lượng nguồn nước kênh rạch. Mặt khác, việc tắc nghẽn rác tại các tuyến kênh cũng đang là nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập úng tại TPHCM diễn biến ngày càng trầm trọng hơn. Ô nhiễm kênh rạch cũng sẽ khiến cho người dân TP phải đối mặt với vô vàn hiểm họa dịch bệnh. Trong đó, nguy hại nhất là dịch bệnh tiêu chảy.

Để có thể giải quyết được vấn nạn xả rác trên kênh rạch, trong khi chờ sự thay đổi trong nhận thức người dân, rất cần phải tái lập hoạt động thu gom rác trên hệ thống kênh rạch. Trong đó, đòi hỏi đơn vị có chức năng phải trang bị đầy đủ thiết bị cơ giới, biện pháp kỹ thuật cần thiết đảm bảo cho hoạt động này. Cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng nhà lấn chiếm kênh rạch song song với vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Có như vậy mới mong sớm cải thiện tình hình ô nhiễm của TP hiện nay.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục