Vùng ven thiếu nước sạch

Được sử dụng nước sạch là quyền tối thiểu mà người dân phải được hưởng. Tuy nhiên, tại TPHCM, không phải người dân nào cũng được hưởng quyền tối thiểu này. Đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Được sử dụng nước sạch là quyền tối thiểu mà người dân phải được hưởng. Tuy nhiên, tại TPHCM, không phải người dân nào cũng được hưởng quyền tối thiểu này. Đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Điển hình nhất là tại khu vực quận huyện ven TP như Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… Phần lớn những người dân tại đây đều có mức thu nhập từ trung bình đến thấp. Thậm chí, nhiều người chỉ có thể đảm bảo được những điều kiện tối thiểu nhất. Trung bình, mỗi ngày người dân tại những quận huyện ven TP - nơi chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch, phải mua từ 2 - 3 thùng nước sạch để dùng cho nấu ăn và uống, tương ứng khoảng từ 30.000 - 40.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nếu được sử dụng nước sạch do nhà nước cấp thì trung bình mỗi tháng một người cũng chỉ có thể sử dụng trên dưới 4m3 với giá chỉ khoảng trên dưới 6.000 đồng/m3, tương ứng 24.000 đồng/tháng. Còn với những nhu cầu sinh hoạt khác cần sử dụng đến nước thì người dân đành bấm bụng sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh như nước giếng, nước sông..

Thực tế này càng trở nên bức thiết khi nguồn nước ngầm mà người dân đang bị buộc sử dụng ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Theo kết quả kiểm tra định kỳ chất lượng nguồn nước ngầm TP, hiện tại nguồn nước tầng nông, tức có độ sâu cách đất mặt khoảng từ 50 – 70m đã được khuyến cáo không thể sử dụng. Bởi lẽ, các loại chất thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt, công nghiệp chưa được xử lý đạt yêu cầu, thải ra môi trường và thông qua hệ thống kênh rạch đã thẩm thấu xuống tầng nước nông. Riêng trong 3 năm gần đây, tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan khiến nguồn nước ngầm tầng nông bị xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Chất lượng nguồn nước ngầm ngày càng suy thoái, thế nhưng giải pháp nào nhằm giúp người dân, nhất là những người dân điều kiện sống khó khăn được tiếp cận nguồn nước sạch lại là bài toán khó giải đáp. Lý giải vấn đề này, về phía Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho rằng, hiện đang cố gắng mở rộng mạng lưới cấp nước sạch đến từng nhà nhưng khó để có thể cung ứng được cho tất cả người dân, nhất là những hộ gia đình đang sống tại khu vực nông thôn.

Nguyên nhân là do hộ dân sống khu vực này thường rất thưa thớt, lượng nước sử dụng không nhiều nhưng kinh phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng lại rất cao. Tổng công ty đang triển khai chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhưng những công ty tham gia xã hội hóa cũng khó để có thể chọn đầu tư hạ tầng cấp nước sạch cho những địa bàn thuộc khu vực quận, huyện ven TP vì hiệu quả kinh tế không cao.

Quá bức xúc với nhu cầu được sử dụng nước sạch, nhiều người dân đã đề nghị TP cho phép tự xã hội hóa đầu tư bằng cách tự góp tiền để lắp đặt ống nước sạch cho nhà mình. Tuy nhiên, điều kiện mà người dân đưa ra là phải được khấu trừ tiền đầu tư vào tiền nước hoặc TP phải có chính sách trả dần vốn đầu tư của người dân. Và dĩ nhiên là chính sách này rất khó được chấp thuận.

Có thể nói, việc cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là những hộ gia đình sẽ giúp họ giảm bớt một phần gánh nặng kinh tế. Đây cũng được xem là điều kiện cần và đủ để cơ bản tạo nên cân bằng tối thiểu chất lượng cuộc sống của các thành phần dân cư trong xã hội. Tuy nhiên, với quá nhiều bất cập nêu trên thì có lẽ để có nguồn nước sạch sử dụng, người nghèo của TP còn phải tiếp tục chờ.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục