Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác

HOÀNG LAN
Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác

Chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê” thuộc chương trình “Không có người mua, không còn kẻ giết” được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức WildAid (Cứu trợ Hoang dã), African Wildlife Foundation (Quỹ Hoang dã Phi Châu) và Trung tâm Change. Chiến lược của chương trình này là tăng cường nhận thức về vấn đề sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã của người dân thông qua truyền thông.

Hiện nay, nạn săn bắn trái phép tê giác đã tăng kỷ lục với 1.004 cá thể bị giết để lấy sừng được ghi nhận tại Nam Phi trong năm 2013. Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết tính đến tháng 8-2014 đã có ít nhất 668 cá thể tê giác bị giết hại, một sự tương phản quá lớn so với con số 13 cá thể bị giết trong cả năm 2007. Việc săn bắn tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tê giác được chăm sóc tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Change chia sẻ: “Một thử thách đối với chúng tôi là người tiêu dùng Việt Nam thường hay tin vào những lời đồn thổi, những thông tin ngoài lề hơn là vào chứng cứ khoa học. Bộ Y tế đã khẳng định, sừng tê không phải là một thần dược có thể chữa các bệnh nan y. Nếu như mọi người không quan tâm đến việc mình đang đẩy một loài vật quý báu của thiên nhiên hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng, thì mọi người cũng nên biết rằng mình đang mất rất nhiều tiền vào một thứ vô bổ. Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, kinh nghiệm trong nhiều năm điều trị ung thư, tôi chưa thấy một trường hợp bệnh nhân nào khi phát hiện bị ung thư sử dụng sừng tê giác mà khỏi bệnh”.

Được biết, trong 6 tháng qua, chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” đã phối hợp với các đối tác truyền thông để sản xuất và phát sóng 9 thông điệp truyền hình trên hơn 20 kênh truyền hình; hơn 3.000 ấn phẩm quảng cáo in được xuất bản bởi gần 10 đầu báo. Các cơ quan thông tin truyền thông như đài truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, báo điện tử, tạp chí và các đơn vị truyền thông khác trong nước đã cam kết hỗ trợ chiến dịch, đóng góp gần 65 tỷ đồng cho chiến dịch thông qua hình thức hỗ trợ đăng tải miễn phí các thông điệp truyền hình và quảng cáo in có sự xuất hiện của các đại sứ thiện chí nổi tiếng kêu gọi công chúng thay đổi niềm tin và hành vi để bảo vệ loài tê giác đang trong tình trạng nguy cấp. Trong những tháng tiếp theo, ban tổ chức chiến dịch mong muốn được tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với nhà báo để đưa thông điệp của chương trình đến với cộng đồng rộng khắp hơn nữa.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục