Nhiều vướng mắc trong quản lý chất thải

Để kịp thời xây dựng Hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014, Bộ Tài Nguyên - Môi trường đã giao Tổng cục Môi trường xây dựng các nghị định hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có xây dựng “Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu”. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, dự thảo Nghị định mà Tổng cục Môi trường ban hành còn nhiều quy định, điều khoản chưa hợp lý, rất khó thực hiện.

Đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nhà Bè, TPHCM cho biết, dự thảo nên làm rõ hơn các khái niệm. Ví dụ như chất thải rắn, chất thải nguy hại là những loại chất thải cụ thể nào. Hơn nữa, nên bổ sung thêm trong chất thải nguy hại phải có những loại chất thải lây nhiễm. Không chỉ vậy, việc quy định cho phép lưu giữ chất thải nguy hại chưa hợp lý. Theo quy định, cho phép đơn vị được lưu giữ chất thải cho đến khi nào đủ điều kiện chuyển giao thì mới chuyển giao. Điều này xuất phát từ thực tế, có nhiều doanh nghiệp, lượng chất thải nguy hại không nhiều nên rất khó để tìm được đơn vị có chức năng tiếp nhận chuyển giao chất thải. Do vậy mà các cơ quan chức năng cho phép họ lưu giữ cho đến khi đạt được số lượng nhất định đủ để có thể chuyển giao. Thế nhưng, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng quy định này để không chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định. Thậm chí, không ít doanh nghiệp cố tình trộn lẫn chất thải nguy hại vào rác thải sinh hoạt hoặc lén lút thải bỏ ra ngoài môi trường. Do vậy, cần phải có quy định thời hạn tối đa được lưu giữ chất thải nguy hại, ví dụ không quá 1 năm hay 2 năm...

Bà Tiêu Thị Bích Phượng, Phó phòng Quản lý và dịch vụ môi trường Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TPHCM cho biết, dự thảo quy định các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung, tòa nhà, văn phòng phải xây dụng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Quy định này đã đủ để không cần thiết thêm quy định nước thải sinh hoạt khu dân cư tập trung phải được thu gom vào bể tự hoại trước khi đổ ra điểm đấu nối vào hệ thống thoát nước thải. Thêm vào đó, dự thảo có quy định việc xả nước thải vào nguồn tiếp nhận phải phù hợp với sức chịu tải và hạn ngạch xả thải của nguồn tiếp nhận. Điều này rất khó thực hiện bởi trên thực tế, hiện nay, tại TPHCM hầu hết các sông, kênh rạch có chức năng thoát nước và là nguồn tiếp nhận nguồn nước thải sau xử lý của các nhà máy xử lý chất thải tập trung. Thế nhưng, chất lượng nước tại các sông, kênh rạch đều đang bị ô nhiễm và không còn có khả năng tiếp nhận nước thải dù đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn của các nguồn xả thải. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp hết sức khó khăn khi xin giấy phép cấp phép xả thải vào nguồn tiếp nhận. Vì vậy, đề nghị cần bổ sung quy định chi tiết cho việc cấp phép xả thải cho các nhà máy xử lý nước thải tập trung vào các nguồn tiếp nhận để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép xả thải.

Riêng đại diện Sở Y tế TPHCM lưu ý ở điều 6 trong định nghĩa về chất thải nguy hại có ghi “cần áp dụng ngưỡng chất thải nguy hại để phân định có phải là chất nguy hại hay chất thải không nguy hại”. Vậy thế nào là “ngưỡng chất thải”?. Có thể nói, việc hoàn thiện luật bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu những quy định chung chung mơ hồ như trên không được khắc phục, làm rõ, thì dù luật có ban hành, các cơ quan chức năng cũng phải bó tay vì không thể áp dụng.

HỒNG HÀ

Tin cùng chuyên mục