Xã hội hóa nguồn vốn chống ngập

(SGGP).- Ngày 30-11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã có buổi làm việc với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM và các sở, ngành liên quan về huy động vốn để đầu tư xây dựng các chương trình giảm ngập từ nay đến năm 2020.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, trong 5 năm tới, TP xây nhiều công trình thoát nước, cống kiểm soát triều, hồ ngầm điều tiết... Cụ thể, từ nay đến năm 2020, tập trung nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (chiều dài 32km), giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực rộng 14.500ha với tổng mức đầu tư là 9.890 tỷ đồng (hiện đã có nguồn vay của Ngân hàng Thế giới); nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài 8,2km) giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực rộng 703ha, tổng mức đầu tư là 5.100 tỷ đồng; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao, tổng mức đầu tư là 59.868 tỷ đồng. Hiện đang triển khai thực hiện 3 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao (gồm nhà máy Bình Hưng giai đoạn 2, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát) với tổng mức đầu tư 22.718 tỷ đồng. Còn lại 4 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao, tổng mức đầu tư 37.150 tỷ đồng chưa có kinh phí đầu tư. Ngoài ra, 8 cống ngăn triều và 68 cống dưới đê cũng chưa có nguồn vốn xây dựng.

Các hạng mục trên nếu được triển khai thực hiện sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng 550km² của TP (gồm trung tâm, Bắc, Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam) và giải quyết ngập cho khoảng 6,6 triệu dân thuộc 13 quận trung tâm (1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và các quận 12, Bình Tân, một phần quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè). Tuy nhiên, để thực hiện các dự án trên, từ nay đến năm 2020 cần 66.820 tỷ đồng, trong đó, ngân sách TP là 7.500 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa là 15.885 tỷ đồng. Như vậy, TP vẫn còn thiếu 43.435 tỷ đồng. Trước khó khăn trên, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án chống ngập của TPHCM. Trong đó, huy động từ nguồn vốn vay ODA 26.365 tỷ đồng để thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm 5.100 tỷ đồng; xây dựng hệ thống cống thu gom cho 4 nhà máy xử lý nước với kinh phí 21.265 tỷ đồng.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục