Mùa khô 2015-2016: Tháng 5 sẽ nóng nhất, lên đến 39°C

* PV:
Mùa khô 2015-2016: Tháng 5 sẽ nóng nhất, lên đến 39°C

Mùa khô 2015-2016 tại TPHCM và khu vực Nam bộ được các chuyên gia dự báo sẽ hết sức đáng ngại về các yếu tố: nền nhiệt độ, lượng mưa, khô hạn và xâm nhập mặn. Phóng viên báo SGGP đã trao đổi với ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ về vấn đề này.

* PV: Ông có thể cho bạn đọc Báo SGGP biết dự báo mùa khô năm nay tại TPHCM và khu vực Nam bộ liệu sẽ diễn biến thế nào ?

Mùa khô 2015-2016: Tháng 5 sẽ nóng nhất, lên đến 39°C ảnh 1

Ông ĐẶNG VĂN DŨNG: Hiện nay, TPHCM và khu vực Nam bộ đã chính thức bước vào mùa khô 2015-2016. Với những thông số chúng tôi có được cho đến giờ phút này thì dự báo là nền nhiệt độ trung bình của mùa khô năm nay sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1°C đến 2°C, tức là một mức tăng nhiều và khá đáng ngại. Điều này có liên quan đến một thông số mà dân chuyên môn gọi là chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển. Theo dự báo từ các trung tâm khí tượng thủy văn lớn trên thế giới của Mỹ và Australia, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Thái Bình Dương cao hơn bình thường suốt từ tháng 11-2014 đến nay và đạt đỉnh cao nhất trong khoảng tháng 11 và 12-2015, sau đó sẽ giảm dần, dự báo cho đến khoảng tháng 5-2016 mới trở lại mức trung bình. Một khi chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển cao hơn mức trung bình thì ta có hiện tượng El Nino. Vì thế, nói giản dị là chu kỳ El Nino vẫn còn tiếp diễn cho đến cuối mùa xuân, đầu mùa hè năm tới, tức là khoảng giữa năm 2016. Đó cũng là lý do khiến El Nino năm nay được dân chuyên môn đánh giá là El Nino kéo dài nhất trong lịch sử từ trước tới nay, cụ thể kéo dài từ tháng 11-2014 đến khoảng tháng 5-2016, xấp xỉ 20 tháng, trong khi trước đây kỳ El Nino dài nhất cũng chỉ 10 tháng, như đã xảy ra trong mùa khô 2009-2010.

Đi sâu vào chi tiết, nhiệt độ cao nhất trong mùa khô năm nay tại TPHCM và khu vực Nam bộ sẽ rơi vào tháng 4 và đầu tháng 5-2016, với nhiệt độ ở khu vực miền Đông Nam bộ, bao gồm cả TPHCM, là 38,5°C - 39°C, trong khi ở khu vực miền Tây Nam bộ là từ 37°C  - 38°C.

* Vậy mưa và lượng mưa trong mùa khô năm nay liệu có bị tác động mạnh bởi diễn biến nền nhiệt độ này không, thưa ông?

Chúng tôi dự báo trong mùa khô năm nay tại TPHCM và khu vực Nam bộ, do ảnh hưởng của El Nino kéo dài như vừa nêu ở trên, nên lượng mưa sẽ ít hơn mọi năm, đi kèm theo đó là tình hình khô hạn và thiếu nước cũng sẽ gay gắt hơn những mùa khô trước đây. Mô tả diễn biến một cách logic thì: Do nhiệt độ tăng cao, mưa ít, đồng thời nắng nóng kéo dài nên sẽ khiến nước bốc hơi mạnh hơn, từ đó dẫn tới nguy cơ khô hạn và thiếu nước gay gắt hơn bình thường. Ngoài ra, bản thân vấn đề khô hạn và thiếu nước trong mùa khô 2015-2016 thực chất còn do bị tác động ảnh hưởng của năm 2015. Bởi vì thời tiết trong năm 2015 ở khu vực Nam bộ đã xảy ra không thuận lợi rồi, với các biểu hiện là mùa mưa đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, tức là thời gian mưa ngắn và lượng mưa ít, vì thế không thuận lợi cho việc cung cấp nước cho các sông hồ tích giữ. Chúng tôi xin nhấn mạnh khuyến cáo rằng, tình hình khô hạn và thiếu nước sẽ gay gắt trong mùa khô năm nay.

Nắng nóng khiến người dân phải mặc áo khoác, đeo găng tay, khẩu trang chống nắng khi lưu thông trên đường. (Ảnh: Cao Thăng)

* Còn vấn đề xâm nhập mặn thì sao, thưa ông?

Xâm nhập mặn cũng không thoát khỏi viễn cảnh gay gắt trong mùa khô năm nay, đơn giản là vì hệ quả tiếp theo của tình trạng nền nhiệt độ tăng cao, mưa ít và nắng nóng kéo dài là tình trạng xâm nhập mặn ở các cửa sông, cửa biển. Trước đây, thời gian đo độ mặn chỉ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7 nhưng năm nay, trước những diễn biến thời tiết không thuận lợi của năm 2015 để lại, ngay từ tháng 11-2015 chúng tôi đã đo và phát hiện mức độ xâm nhập mặn đáng lo ngại ở các con sông lớn của Nam bộ là sông Hậu, sông Tiền, sông Cổ Chiên. Số liệu đo đạc vừa được thực hiện vào tuần cuối của tháng 11-2015 cho thấy tại điểm đo mặn Trà Kha trên sông Hậu thuộc tỉnh Trà Vinh, cách biển Đông 15km, độ mặn cao nhất là 2,9°/oo. Tại điểm đo mặn Hưng Mỹ trên sông Cổ Chiên cách cửa biển 22km cũng thuộc tỉnh Trà Vinh, độ mặn cao nhất là 3,9°/oo. Xin nhấn mạnh là trước đây thời điểm này chưa có xâm nhập mặn, nhưng năm nay đã có. Chúng tôi có cơ sở để dự báo, năm nay tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô vừa xuất hiện sớm, vừa cường độ mạnh về.

* Có cảm giác tất cả những dự báo diễn biến thời tiết như vậy đều có căn nguyên từ diễn biến khí hậu thủy văn và biến đổi khí hậu gây ra. Ông nhận xét thế nào về điều này?

Trước hết, chúng tôi có thể khẳng định nguyên nhân của những tình trạng như được dự báo cho mùa khô năm 2015-2016 là do diễn biến thời tiết năm 2015 không thuận lợi, kèm theo đó là diễn biến khí hậu thủy văn và kể cả biến đổi khí hậu. Chúng tôi chưa thể khẳng định nhưng không loại trừ khả năng tất cả những diễn biến không thuận lợi về nền nhiệt độ, lượng mưa, nắng nóng, xâm nhập mặn là có liên hệ tương hỗ với biến đổi khí hậu. Về mặt chính thống, người ta thừa nhận có vấn đề về biến đổi khí hậu. Nhưng vấn đề biến đổi khí hậu thực chất cũng gắn chặt với con người, do các hoạt động của con người gây ra. Chẳng hạn như khí thải tạo ra từ các nhà máy, công trường, xe cộ tham gia giao thông, cháy rừng…, tất cả tổng hợp lại tác động gây ra hiệu ứng nhà kính.

HUY KHÁNH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục