Phát triển mảng xanh tại TPHCM

Những năm gần đây, gần như năm nào số lượng phương tiện giao thông ở TPHCM đều tăng khoảng 10% so với năm trước. Chưa kể hàng trăm ngàn mét vuông nhà cửa, đường sá được làm mới… Trong bối cảnh ấy, để làm sạch môi trường, điều hòa không khí cho thành phố, việc phát triển mảng xanh là cực kỳ quan trọng.
Phát triển mảng xanh tại TPHCM

Những năm gần đây, gần như năm nào số lượng phương tiện giao thông ở TPHCM đều tăng khoảng 10% so với năm trước. Chưa kể hàng trăm ngàn mét vuông nhà cửa, đường sá được làm mới… Trong bối cảnh ấy, để làm sạch môi trường, điều hòa không khí cho thành phố, việc phát triển mảng xanh là cực kỳ quan trọng.

Mảng xanh tại TPHCM có vai trò rất quan trọng. Ảnh: CAO THĂNG

Chặt nhiều, trồng cũng… nhiều

Có thể nói, năm 2014 là năm người dân TPHCM “nhận” được thông tin “chặt cây xanh”… nhiều nhất từ trước đến nay. “Sốc” nhất có lẽ là tin 84 cây xanh hàng trăm năm tuổi, lưu giữ kỷ niệm của hàng triệu người dân thành phố, trên đường Tôn Đức Thắng sẽ bị đốn hạ để xây cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn kết nối đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng số cây xanh bị ảnh hưởng của dự án là 272 cây, trong đó có 84 cây phải đốn hạ, 37 cây được di dời và 151 cây giữ lại sau khi được chỉnh trang.

Cây xanh bị đốn hạ là những cây nằm dọc theo chiều dài của cầu và nằm gần các trụ cầu. Cây đa phần có đường kính thân từ 80cm trở lên, nên theo Sở GTVT TPHCM, “nếu bứng để dưỡng và trồng lại, đòi hỏi chi phí rất lớn mà khả năng cây chết rất cao”.

“Sốc” không kém là thông tin TPHCM chặt hàng chục cây xanh trong Công viên Gia Định để thi công một đoạn đường dài khoảng 650m, rộng 20m. Đoạn đường này là một phần trong tuyến giao thông huyết mạnh  nối sân bay Tân Sơn Nhất với các quận, huyện phía Đông của thành phố và các tỉnh miền Đông Nam bộ, nay được đặt tên đường Phạm Văn Đồng.

Trước đó, để thực hiện các dự án giao thông, TPHCM cũng đã đốn 51 cây xanh trước khu vực Nhà hát TPHCM để làm nhà ga metro. Dự kiến để làm các công trình giao thông tiếp theo, thành phố sẽ đốn hạ khoảng 57 cây xanh ở khu vực gần chợ Bến Thành để làm nhà ga metro trung tâm Bến Thành. Tại quận 2, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT TPHCM cho biết, đang có kế hoạch đốn hạ khoảng 215 cây sọ khỉ trên đường Nguyễn Văn Hưởng để phục vụ việc mở rộng đường. Việc đốn hạ sẽ được thực hiện trong 3 năm (2014 - 2016) và dự kiến sẽ thay thế bằng cây bằng lăng.

Bên cạnh các thông tin gây “sốc” cũng có rất nhiều thông tin vui. Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, chỉ tính riêng trong năm 2014, thành phố đã trồng 12.448 cây xanh. Trong đó, số cây xanh bóng mát trồng trên các tuyến đường 6.008 cây, trồng cây xanh phủ đất dự trữ 6.440 cây. Các khu vực được trồng là đường Hòa Bình quận 10, đường Âu Cơ quận Tân Bình, Tân Phú, đường Phạm Văn Đồng quận Gò Vấp… Các loại cây chủ yếu được trồng là giáng hương, bằng lăng, bò cạp nước, lộc vừng… Những năm trước đó, trung bình năm nào TPHCM cũng trồng thêm hàng ngàn cây xanh. Năm 2015, Sở GTVT dự kiến trồng thêm 7.000 cây.

Tận dụng từng khoảnh đất, nâng niu từng mầm xanh…

Nếu nhìn vào những con số tuyệt đối, rõ ràng số lượng cây xanh bị đốn chặt ít hơn so với cây xanh được trồng mới. Tại sao người dân TPHCM vẫn thấy thiếu mảng xanh và tiếc nuối những cây cũ? Có lẽ đúng như ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường TPHCM, đa phần cây cũ với tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm đã trở thành một phần không thể thiếu của thành phố. Người dân thành phố đã quen “hơi cây”, “dáng cây”, “mùi cây” và cả “tiếng rì rầm” của cây như người thân thương của mình, nên khi chia tay với cây, ai không thấy bùi ngùi…

Người dân TPHCM thấy thiếu mảng xanh bởi số lượng cây xanh được trồng mới dù lên tới hàng ngàn cây/năm, song dường như vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ của thành phố. Bầu không khí của thành phố vẫn luôn ngột ngạt bởi khói xe, khói của nhà máy và nhiệt độ tỏa ra từ hàng triệu thiết bị điện tử như máy lạnh… Đó là chưa kể, cây xanh trồng mới hầu hết là cây nhỏ, độ che mát ít hơn so với các cây cổ thụ bị đốn hạ…

Vậy giải pháp nào cho phát triển mảng xanh ở TPHCM? Với sự gia tăng dân số và các hoạt động kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, TPHCM rất khó có được quỹ đất đủ lớn để trồng nhiều cây xanh. Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, một trong những chuyên gia hàng đầu về đô thị của TPHCM, hãy học tập kinh nghiệm của Singapore - một quốc gia song cũng là một thành phố có độ nén về xây dựng cao như TPHCM, đó là tận dụng từng khoảng đất trống để phát triển mảng xanh. Những góc phố nhỏ, những mảnh đất bé xíu ở cuối đường…, tất cả đều có thể biến thành mảng xanh nếu cây xanh được trồng và chăm sóc đầy đủ.

Rồi các tòa nhà, những cây cầu…, nếu được phủ bằng những cây leo, chắc chắn sẽ hỗ trợ đáng kể cho công tác làm mát thành phố. Và cuối cùng, việc chặt cây xanh, mong rằng hãy là giải pháp cuối cùng được chọn lựa khi quyết định đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục