Dự án trường học sinh thái - Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

Dự án trường học sinh thái - Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường

Ban tổ chức Chiến dịch Giờ Trái đất xanh 2015 do Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì vừa đưa vào khánh thành trường học sinh thái tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận 12 (ảnh). Đây là trường học sinh thái thứ tư được xây dựng và đưa vào hoạt động. Thông qua mô hình trường học sinh thái, cộng đồng nói chung và các em học sinh đã được học những bài học ý nghĩa về công tác bảo vệ môi trường.

Ông Cao Văn Tuấn, Bí thư đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, để tạo tiền đề cho hoạt động cải tạo trường học thành trường sinh thái, công ty đã phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Sau đó tiến hành thu gom và tái chế rác thải thành những sản phẩm có lợi cho cộng đồng và môi trường. Nói thì đơn giản, nhưng cái khó nhất của hoạt động chính là tạo nguồn rác thải để có thể tái chế thành sản phẩm sinh thái. Khâu này đòi hỏi lực lượng tình nguyện viên phải thuyết phục được người dân hợp tác phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom. Thực tế vận động 2.000 hộ gia đình tại quận Tân Phú thực hiện phân loại rác và duy trì hoạt động này một cách thường xuyên đều đặn không phải dễ. Nhiều hộ gia đình không hợp tác vì cho rằng những hoạt động trên chỉ mang tính chất phong trào theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, không được cơ quan chức năng duy trì thường xuyên. Do vậy, việc tham gia chỉ thêm mất thời gian, hiệu quả không bền vững. Nhiều hộ khác thì không thấy được lợi ích thực tế từ việc tái chế rác thải nên hoài nghi tính khả thi của chương trình.

Để khắc phục được những băn khoăn trên của cộng đồng, các bạn tình nguyện viên và đoàn thanh niên đã đến từng hộ gia đình để vận động cộng đồng tham gia. Đồng thời, xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích người dân duy trì hoạt động có lợi cho môi trường là phân loại rác thải. Riêng những thắc mắc của người dân về lợi ích thực tế của tái chế rác thải luôn được các tình nguyện viên cập nhật. Cụ thể hơn là hướng họ tới với những ngôi trường sinh thái đang được hiện thực hóa. Quan trọng nhất, độ bền của dự án phải được duy trì thường xuyên, không bị ngắt quãng. Trên thực tế, để tạo được nguồn nguyên liệu sản xuất tấm lợp sinh thái, những vật dụng thân thiện môi trường từ nguồn rác thải, công tác vận động và đồng hành cùng cộng đồng, đặc biệt tại quận Tân Phú đã được tổ chức và duy trì từ năm 2013 và cho đến nay vẫn đang tiếp tục thực hiện. Điều này đã tạo niềm tin trong hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, cho cộng đồng.

Không dừng lại đó, từ những công trình có tính thực tế là trường học sinh thái, các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước đang học tập sinh hoạt tại ngôi trường đó cũng được trang bị thêm những kiến thức thực tế về công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, hiểu hơn ý nghĩa thực tế từ việc tái chế rác thải. Từ đó, góp phần xây dựng những hành vi sống có lợi cho môi trường hơn.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận 6.500 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Hơn 1.000 tấn rác hiện đang bị đổ ra hệ thống kênh rạch. Hiện phần lớn lượng rác thải này đều đang được xử lý bằng biện pháp chôn lấp do không được thu gom theo phân loại. Và nếu lượng rác thải này được thực hiện phân loại đạt yêu cầu ngay từ khâu hộ gia đình thì sẽ giảm đáng kể sức ép cho thành phố trong việc xử lý cũng như giảm gánh nặng ngân sách trong thời gian tới.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục