Chồng chéo quản lý thu gom, quét rác

Chi trả hai lần cho cùng một hoạt động
Chồng chéo quản lý thu gom, quét rác

Sở Giao thông Vận tải vừa có công văn kiến nghị UBND TPHCM về việc thực hiện công tác vệ sinh mặt cầu, mặt đường. Kiến nghị này đang vấp phải sự bất đồng của nhiều công ty công ích quận huyện. Nguyên nhân là do việc quản lý công tác vệ sinh môi trường đường phố bị chồng chéo giữa các đơn vị dịch vụ công ích với các đơn vị khu quản lý giao thông đô thị.

Nhiều bãi rác tồn tại trên đường ở TPHCM do việc quản lý chồng chéo quét, thu gom rác. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Chi trả hai lần cho cùng một hoạt động

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), căn cứ theo quyết định về phân cấp, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố thì UBND các quận chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn quận về các khu xử lý theo sự điều phối của Sở TN-MT. Ngoài ra, để xác định kinh phí duy duy tu trong lĩnh vực dịch vụ công ích, Sở Tài chính đã hướng dẫn các ban, ngành liên quan của quận huyện phối hợp với các công ty dịch vụ công ích tổ chức đo đạc để xác định diện tích vỉa hè, các khu vực công cộng cần quét 100% và diện tích khu vực nhà dân chỉ đảm bảo vệ sinh, không phải quét 100% để làm cơ sở xác định khối lượng đấu thầu, đặt hàng cho công tác quét, gom rác phù hợp với diện tích thực tế đã thực hiện.

Hiện tại, công tác quét rác trên đường phố nói chung đều được giao cho các công ty dịch vụ công ích quận huyện thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, căn cứ theo công văn về việc thẩm định và phê duyệt dự toán tháng đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống cầu, đường bộ và chiếu sáng công cộng mà Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình UBND TP, đang hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để chuyển giao việc vệ sinh mặt đường trên các cầu, các tuyến quốc lộ, các trung đường chính yếu do các đơn vị thuộc sở phụ trách và nghiệm thu thanh toán theo khối lượng thực tế. Như vậy, cùng với việc kiến nghị của Sở GTVT thì hiện có 2 đơn vị là Sở TN-MT và Sở GTVT TPHCM cùng thực hiện quản lý hoạt động vệ sinh môi trường trên các mặt cầu, quốc lộ và tuyến đường chính yếu. Và ngân sách thành phố phải chi hai lần cho cùng một hoạt động vệ sinh môi trường ở các khu vực này.

Quy về một mối, bao giờ?

Không chỉ chồng chéo trong hoạt động quét rác trên một số tuyến cầu đường giữa Sở GTVT và Sở TN-MT, việc phân cấp quản lý vệ sinh môi trường cho từng quận huyện cũng đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, trước đây, việc chịu trách nhiệm quét, thu gom rác được giao về một đầu mối là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị dưới sự quản lý trực tiếp của Sở TN-MT. Công ty có trách nhiệm điều phối chung hoạt động của các công ty dịch vụ công ích quận huyện để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường thành phố luôn sạch, đẹp. Tuy nhiên, từ khi thành phố quyết định phân cấp quản lý vệ sinh môi trường cho từng quận huyện chịu trách nhiệm, thực tế đã phát sinh hàng trăm bãi rác dân sinh. Các bãi rác này thường nằm ở khu vực giáp ranh giữa các quận huyện. Đặc biệt, trên hệ thống kênh rạch, rác thải thường được dẫn từ những nhánh kênh rạch nhỏ dẫn ra nhánh kênh rạch chính. Mỗi tuyến kênh rạch lại không nằm trên địa bàn một quận huyện mà là liên quận huyện nên các quận rất khó xác định trách nhiệm thuộc về quận nào. Kết quả là có hàng trăm tuyến kênh bị khai tử hoặc không thể thực hiện chức năng tiêu thoát nước vì đặc rác.

Chưa hết, hiện việc thu gom rác từ hộ gia đình đến các điểm tập kết đang chồng chéo giữa lực lượng thu gom chính quy và lực lượng thu gom rác dân lập. Có đến hơn 60% tuyến đường hiện nay do lực lượng rác dân lập chịu trách nhiệm thu gom rác tại hộ dân. Tuy nhiên, họ chỉ thu từ nhà dân và đổ ra các điểm tập kết chung tại các tuyến đường. Còn lại do lực lượng thu gom rác chính quy phải có trách nhiệm thu gom từ các điểm tập kết này về các trạm trung chuyển và về bãi xử lý. Tuy nhiên, lực lượng thu gom rác dân lập hiện đang hoạt động khá tự do và không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng nên chất lượng vệ sinh môi trường trong nhiều năm qua tại nhiều khu vực, địa phương rất kém. Nhiều chủ trương, chương trình lớn khi thành phố triển khai như thực hiện phân loại rác tại nguồn không thể thực hiện được vì thiếu sự hợp tác của lực lượng này. Gần đây, Sở TN-MT đã nhiều lần tổ chức họp với lực lượng thu gom rác dân lập để hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ tham gia bằng hình thức hình thành hợp tác xã thu gom rác. Từng bước hỗ trợ họ chuyển từ hình thức hoạt động tự do sang có quản lý của Nhà nước nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, sẽ rất khó để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường nếu như cách thức quản lý phân tán như hiện nay. Nếu dựa trên địa giới hành chính để buộc các quận huyện phải đảm bảo quản lý tốt lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn, cũng như trên hệ thống sông kênh rạch là không khả thi. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới, cần thiết phải hợp nhất công tác vệ sinh môi trường về một đầu mối chịu trách nhiệm. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng rác khu vực giáp ranh ùn ứ không được thu gom xử lý. Với hệ thống kênh rạch, không còn tình trạng quận này đẩy sang cho quận khác với lý do lượng rác đó không nằm khu vực kênh do quận mình quản lý.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục