Quay quắt vì nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, ngày 30-6 toàn bộ miền Bắc và miền Trung đã trải qua một ngày thời tiết nắng nóng tương tự như đợt nóng kỷ lục hồi đầu tháng 6-2015 với nền nhiệt độ lên tới 39 - 40°C tại hàng loạt khu vực. Theo nhận định, có nhiều khả năng vào ngày 2-7 sẽ có một đợt nắng nóng kỷ lục với nền nhiệt độ phổ biến lên tới 40 - 41°C hoặc hơn…

Từ khoảng gần 1 tháng nay, nóng nắng xảy ra đã làm sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương thuộc miền Bắc và miền Trung bị đảo lộn, gây thiệt hại. Tại các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội như chợ đêm Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, chợ đêm Đền Lừ và Long Biên, các tiểu thương cho biết giá nhiều loại rau xanh và hải sản tăng lên khoảng 10% -15% do ảnh hưởng của nắng nóng, diện tích sụt giảm vì bà con không chăm sóc được. Trên cánh đồng xã Đại Mỗ thuộc quận Nam Từ Liêm - Hà Nội, bà Lê Thị Thanh và nhiều nông dân trồng hoa ở đây cho biết, hàng ngày bà con phải thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng để gánh nước tưới rau và hoa. “Tầm 9 giờ sáng là phải về vì trời rất oi bức, có hôm tham việc suýt ngã ra đồng vì bị say nắng” - bà Thanh kể.

Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn tỉnh Lào Cai, bắt đầu từ ngày 29-6 đến nay, nắng nóng bắt đầu quay lại địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Tỉnh Lào Cai và Lai Châu là những nơi chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất của đợt nắng nóng vì nhiệt độ tại TP Lào Cai lên tới 39,2°C. Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, từ đầu tháng 6-2015 đến nay, trên địa bàn đã xuất hiện khoảng 15 đợt cháy rừng do ảnh hưởng của nắng nóng. Ông Nguyễn Đồng Quảng, Phó cục trưởng Phụ trách Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay các tỉnh miền Bắc đang chuẩn bị xuống giống cho vụ lúa mùa. Nắng nóng xảy ra nên tiến độ triển khai chậm. Tại Trung bộ, hàng trăm hồ đập đang bị thiếu nước, cộng với nắng nóng kéo dài đã làm sản xuất vụ hè thu bị đình trệ, gây thiệt hại và khó khăn cho nông dân. Tại tỉnh Nghệ An, nắng nóng đã kéo dài khoảng 2 tháng qua, liên tục xuất hiện nhiệt độ 40 - 41°C nên hiện mới gieo cấy được khoảng 46.000ha lúa hè thu (mới đạt khoảng 80%). Theo kiểm tra, khoảng 5.000ha lúa có khả năng bị chết do thiếu nước. Khoảng 2.000ha bắp đang gieo tại các huyện miền núi phía Tây có nguy cơ chết và mất trắng.

Trước tình hình nắng nóng đang gây thiệt hại cho nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng nước ta, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ cùng các bộ có liên quan về việc chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do nắng nóng, khô hạn và thiếu nước gây ra. Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu tăng cường phòng chống cháy rừng, cháy nổ, sử dụng tiết kiệm điện nước. Đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong tình hình nắng nóng, khô hạn và thiếu nước kéo dài.

Thông tin từ Vụ Quản lý công trình (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, mặc dù trong đợt mưa bão vừa qua đã mang lại một lượng nước lớn nhưng do nắng nóng khô hạn kéo dài quá lâu nên nhiều nơi ở miền Trung vẫn chưa thể khắc phục được khô hạn. Tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn có 1.513ha lúa và hoa màu không kịp gieo trồng, còn tại tỉnh Quảng Trị có 1.070ha thiếu nước, tỉnh Bình Thuận còn 8.950ha đang chờ nước tưới. Tổng diện tích cây trồng đang bị hạn hán phải dừng sản xuất tại Bình Định là 8.500ha, Khánh Hòa 11.839ha, Ninh Thuận 10.229ha…

Những ngày sắp tới còn nắng nóng tới 41°C

Chiều 30-6, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương đã có thông tin bổ sung về tình hình nắng nóng khốc liệt trong những ngày sắp tới. Tại Bắc bộ, từ ngày 1 đến 3-7 sẽ có nhiệt độ lên tới 39 - 40°C. Tại thủ đô Hà Nội, nhiệt độ có thể lên tới 41°C và đây chỉ là mức nhiệt được đo tại lều khí tượng còn ngoài trời luôn chênh cao hơn 2 - 4°C. Tại các tỉnh miền Trung, nhiệt độ lên tới 39 - 41°C kéo dài đến ngày 4-7 sau đó mới tạm suy giảm nhưng vẫn còn ở ngưỡng nóng bức.

Riêng Nam bộ và Tây Nguyên không có dấu hiệu nắng nóng trong 10 ngày tới. Đối với khu vực miền Tây Nam bộ và vùng biển Nam bộ, do gió mùa Tây Nam ở phía Nam đang có xu hướng hoạt động mạnh dần lên nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía Tây Nam quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Tại TPHCM, từ ngày 1 đến 2-7 trời nắng, chiều tối có mưa rào và dông, đêm không mưa, nhiệt độ cao nhất phổ biến 33 - 35°C. Từ ngày 3 đến 4-7 có mưa rào và dông kèm gió giật mạnh, nhiệt độ cao nhất phổ biến 30 - 33°C.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục