Nhếch nhác quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Nhếch nhác quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Mặc dù chủ trương xây dựng sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua, nhưng ít nhất trong khoảng 10 năm tới, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn là sân bay chính của khu vực Nam bộ. Vậy mà…

Rác, bụi và… hôi

Gần như chỉ có khu vực dọc đường Trường Sơn, từ bùng binh đường Hoàng Văn Thụ đi thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất là được chăm chút chỉn chu. Đường sạch, đẹp với những khóm hoa đủ màu khoe sắc. Quán xá dọc hai bên đường, cơ bản không lấn ra vỉa hè buôn bán… Nhưng nhiều khu vực còn lại, bao quanh sân bay Tân Sơn Nhất (trừ các khu vực quân đội đóng quân) đều lấm bụi, rác thải và bốc mùi hôi của các quán nhậu, của cống rãnh bị ứ rác. Chẳng cần phải đi xa, chỉ cần bước chệch khỏi đường Trường Sơn, đến gần giao lộ của hai con đường: một đi vào ga quốc nội và một đi vào ga quốc tế là có thể thấy sự nhếch nhác. Một mương thoát nước rộng chừng 2m, dài khoảng 30m đầy rác nằm giữa một bãi đậu ô tô.

Có mặt ở đấy trong một buổi trưa cuối tháng 6-2015, trò chuyện với vài tài xế taxi có xe lưu đậu trong bãi, được biết, rác ngập trong mương là chuyện…bình thường. Thỉnh thoảng có công nhân vệ sinh đến vớt rác nhưng ngay sau đó, rác lại… xuất hiện. Dấn thêm vài bước chân đến đầu đường Bạch Đằng là ồn ào hàng chục quán thịt chó, thịt dê, lẩu hải sản. Như bao quán nhậu khác, nhiều thực khách ở đây ăn, uống rồi vứt rác, chửi thề ầm ĩ.

Đi vòng qua khu vực đường  Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp) hay đường Phạm Văn Bạch (phường 15, quận Tân Bình) - những địa bàn bao bọc xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, do nhà dân ở nhiều nên tình trạng nhếch nhác đỡ hơn. Tuy nhiên, nơi đây gặp một vấn nạn khác: nhiều nhà dân đã “lỡ” xây dựng trong hành lang an toàn của sân bay. Khoan nói tới sự nguy hiểm có thể xảy ra khi hàng lang an toàn của sân bay không được đảm bảo, chỉ riêng ở góc độ kiến trúc, cảnh quan, tình trạng xây nhà lố nhố gần sân bay đã tạo ra một khung cảnh lộn xộn, phô ra trước mắt du khách đi máy bay một góc không đẹp của TPHCM.

Ùn ứ giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: CAO THĂNG

Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, quỹ đất để phát triển lâu dài sân bay Tân Sơn Nhất trước đây lên tới 3.600ha, gấp 3 lần quỹ đất sân bay Changi ở Singapore. Nay diện tích của sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 1.500ha. Một trong những hậu quả của việc sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm là tình trạng nhếch nhác ở khu vực quanh sân bay.

Chấn chỉnh - việc cần phải làm ngay

Cách đây chưa lâu, trao đổi với báo chí, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cho dù sân bay Long Thành xây dựng xong và đi vào hoạt động thì vai trò của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn rất quan trọng. Bộ Giao thông Vận tải dự tính, sân bay Long Thành trở thành trung tâm chính về khai thác các chuyến bay quốc tế, còn sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu phục vụ khai thác các chuyến bay nội địa. Tất nhiên, hai sân bay hoạt động như thế nào còn phụ thuộc vào sự chọn lựa của các hãng hàng không nhưng Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đảm nhận khoảng 10% tuyến quốc tế, chủ yếu là các tuyến gần. Còn lại là do sân bay Long Thành đảm trách. Đối với các tuyến quốc nội, dự kiến sân bay Long Thành đảm nhận 20% và sân bay Tân Sơn Nhất đảm nhận 80%. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cũng không bó cứng tỷ lệ này.

Câu chuyện của tương lai, khó ai biết trước được, song nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… khi xây dựng sân bay mới, hiện đại thường không bỏ sân bay cũ mà dành để phục vụ các chuyến bay trong nội địa, còn sân bay mới phục vụ các chuyến bay quốc tế. Đặt trong bối cảnh ấy để thấy rằng, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất cần được chấn chỉnh ngay. Nhất là vừa mới đây, tại sân bay này đã xảy ra sự cố mất sóng không lưu tới 18 phút do bị nhiễu sóng. Ngành chức năng đang điều tra nguyên nhân sự cố. May mắn, sự cố không gây thiệt hại nhưng nó là hồi chuông cảnh báo cho sự mất an toàn hàng không trong khu vực xung quanh sân bay. Tình trạng nhà cửa xây dựng sát sân bay, các quán nhậu với đủ khách thập phương lui tới, theo một chuyên gia về quản lý đô thị, rất khó cho ngành chức năng quản lý và phát hiện sớm những hành vi phá hoại nếu có. Chưa kể, tình trạng vứt rác bừa bãi sẽ làm cho ngành chức năng khó phát hiện ra vật lạ nguy hiểm, nếu có…

Vận tải hàng không là vận tải khối lượng lớn, cần độ chính xác và an toàn cao. Những máy bay nhỏ như ATR cũng chở được gần 100 hành khách. Những máy bay lớn như Airbus, Boeing… vận chuyển 200 - 300 hành khách/mỗi chuyến bay. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn hàng không cần được thực thi hết sức nghiêm ngặt. Vấn đề là nhìn ra các nước tiên tiến trên thế giới, không ai chấp nhận quy hoạch kiểu sân bay nằm lọt thỏm trong khu dân cư, vì tính an toàn hàng không là vấn đề cốt lõi quan trọng nhất. Tình trạng nhếch nhác xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, vì thế, cần được chấn chỉnh ngay.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục