Lãng phí nguồn nước sạch

Xây dựng bể chứa nước mưa vừa giúp giảm ngập đô thị, vừa giảm áp lực đảm bảo nguồn cung ứng nước phục vụ hoạt động sinh hoạt, sản xuất. Quan trọng hơn là giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, nhiều thành phố lớn ở nước ta vẫn chưa quan tâm đến việc tận dụng được nguồn nước này.
Lãng phí nguồn nước sạch

Xây dựng bể chứa nước mưa vừa giúp giảm ngập đô thị, vừa giảm áp lực đảm bảo nguồn cung ứng nước phục vụ hoạt động sinh hoạt, sản xuất. Quan trọng hơn là giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, nhiều thành phố lớn ở nước ta vẫn chưa quan tâm đến việc tận dụng được nguồn nước này.

Hồ chứa nước mưa, nước sông... giúp cung cấp thêm nguồn nước, điều tiết thủy lợi. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Thiếu quy hoạch sử dụng nguồn nước mưa

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam là một nước nhiệt đới với nguồn nước mưa khá lớn, mỗi năm khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình 1.500 - 2.000mm. Riêng tại TPHCM, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa gần 1.980mm. Tuy nhiên, từ khi có nước máy, người dân đô thị hầu như quên hẳn nước thiên nhiên, mới chỉ có khu vực nông thôn sử dụng nước mưa cho mục đích sinh hoạt thông qua các bể chứa, lu vại nhỏ. Một nghịch lý đang xảy ra ở nước ta khi mưa nhiều thì gây ra lũ lụt, ngập úng. Hết mưa lại hạn hán, ngay cả nước sạch dùng cho sinh hoạt cũng hiếm hoi. Nhiều nơi, người dân vẫn phải dùng nguồn nước ở ao hồ, sông ngòi hoặc thậm chí phải dùng cả nguồn nước ngầm đang nhiễm Asen nặng để ăn uống. Một đất nước được thiên nhiên ban tặng nguồn nước mưa dồi dào như vậy mà người dân lại thiếu nước sạch cho sinh hoạt? Đó là điều rất phi lý. Nước mưa sạch, không mất tiền mua, mọi người chỉ cần bỏ ít chi phí ban đầu để xây bể, làm máng dẫn và sẽ được sử dụng trong thời gian dài.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, nước mưa là nguồn tài nguyên quan trọng, sử dụng và quy hoạch nước mưa là trách nhiệm gắn liền với sự phát triển bền vững của các thành phố. Chúng ta có thể kiểm soát ngập lụt trong thành phố bằng cách lưu giữ lượng nước mưa trên các mái nhà, trên mặt đất hoặc thấm dưới đất. Nước mưa được lưu trữ cho phép chúng ta sử dụng trong nhiều trường hợp khẩn cấp chứ không nhất thiết chỉ để uống. Tạo điều kiện cho nước mưa thấm xuống đất hoặc xây các hồ chứa ngầm có thể ngăn ngừa được tình trạng ngập tại các thành phố, giảm thiểu tác động xấu do ô nhiễm nhiệt, phòng ngừa được tình trạng khan hiếm nước và cải thiện được môi trường đô thị. Đặc biệt, góp phần tái tạo nguồn nước ngầm, giảm thiểu nguy cơ hạn hán nhờ phục hồi được sự tuần hoàn nước tự nhiên.

Sử dụng nước mưa để bảo tồn nước ngầm

Tiết kiệm nước sạch đang là vấn đề cấp bách hiện nay đối với xã hội. Do vậy, để giảm tải áp lực cho việc khai thác nước ngầm và nước mặt, các đô thị có thể xây dựng các bể chứa nước mưa tại các công trình công cộng, văn phòng, chung cư, tòa nhà cao tầng và sử dụng cho các mục đích không yêu cầu chất lượng nước cao như tưới cây, dự trữ nước chữa cháy, rửa đường, bổ sung nước cho các hồ trong thành phố… Bên cạnh đó, việc thu gom nước mưa tại các đô thị sẽ có một vai trò đáng kể trong việc giảm ngập úng tại các đô thị, khi lượng nước mưa đổ về các tuyến cống thoát nước quá lớn trong cùng một thời điểm. Theo tiến sĩ Bùi Trọng Vĩnh, Khoa địa chất và Dầu khí, Đại học Bách khoa TPHCM, hiện nay mức độ khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố là rất lớn. Ở tầng nông (tức cách mặt đất khoảng từ 50m) mức độ khai thác là 246.000m³/ngày; tầng kế tiếp (tức cách mặt đất từ 100m trở xuống ) là 1.440m³/ngày. Ở những tầng sâu còn lại mức độ khai thác lần lượt là 116.000m³/ngày - 278.000m³/ngày. Việc khai thác thiếu khoa học như hiện nay đang khiến nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố bị cạn kiệt nghiêm trọng. Không dừng lại đó, thực tế này còn gây nên tình trạng sụt lún hạ tầng tại nhiều quận huyện. Điển hình như tại quận 6, 8, Bình Tân và Thủ Đức. Cá biệt, có những khu vực địa tầng lún hơn 0,5m gây hư hại nhiều nhà dân.

Giáo sư Mooyoung Han, Giám đốc Trung tâm quản lý nước bền vững Đại học quốc gia Seoul, Hàn Quốc, cho biết, nguồn nước mặt nhiều nơi khan hiếm và có nguy cơ ô nhiễm cao, nước ngầm ngày càng cạn kiệt, khả năng cung cấp nước máy có hạn. Vì những lợi ích mà nước mưa mang lại thì Chính phủ Việt Nam cần có chương trình đầu tư hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tận dụng, khai thác tốt nguồn nước mưa hợp lý, đặc biệt nên có chính sách phù hợp cho các vùng khó khăn về nước sạch. Nếu Chính phủ đầu tư trực tiếp rộng rãi cho người dân, nhất là nông dân nghèo có đủ điều kiện tích chứa, tận dụng nước mưa sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực và hết sức có ý nghĩa về nhiều mặt, cả chính trị, xã hội lẫn kinh tế, môi trường và văn hóa đời sống...  Như về chính trị là thể hiện sự chăm lo cho dân có nước sạch để uống và sinh hoạt an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe, ngăn ngừa các loại bệnh tật nguy hiểm để Chính phủ và nhân dân khỏi phải tốn các khoản chi phí phòng, chống các loại bệnh nguy hiểm. Về môi trường sẽ góp phần làm giảm việc khai thác tầng nước ngầm đang có nguy cơ nhiễm bẩn và cạn kiệt nhiều nơi, đồng thời làm giảm lượng nước mưa chảy tràn gây ngập và thành nước bẩn, gây ô nhiễm.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục