Tiết kiệm năng lượng: Cần sự đồng thuận từ doanh nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo quản lý năng lượng do Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo và tiết kiệm năng lượng quản lý thực hiện. Đây là trung tâm đầu tiên của Việt Nam được thành lập và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ toàn bộ trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo quản lý năng lượng do Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo và tiết kiệm năng lượng quản lý thực hiện. Đây là trung tâm đầu tiên của Việt Nam được thành lập và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ toàn bộ trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Việc thành lập trung tâm này, Bộ Công thương cũng như UBND TPHCM kỳ vọng sẽ tạo nên sự đột phá trong việc cải tiến công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp, giảm thiểu áp lực sử dụng năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, những kỳ vọng trên sẽ khó thực hiện được nếu thiếu sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 1% doanh nghiệp sản xuất có công nghệ hiện đại. 51% có công nghệ sản xuất trung bình. Số còn lại có công nghệ sản xuất lạc hậu, rất lạc hậu. Đây cũng là nguyên do khiến cho mức tiêu hao năng lượng lãng phí rất lớn. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp có công nghệ sản xuất trung bình và lạc hậu là doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Nguồn vốn hoạt động rất hạn chế nên họ thường có tâm lý tận dụng được đến đâu hay đến đó. Các doanh nghiệp này lại không có khả năng thay đổi trang thiết bị, công nghệ sản xuất hoặc có khả năng cũng không đồng thuận để thực hiện. Không dừng lại đó, thống kê của Sở Công thương cho thấy, toàn thành phố có khoảng gần 250 doanh nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn và được xếp vào diện doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Nếu các doanh nghiệp trên thực hiện các giải pháp kiểm toán, quản lý và sử dụng năng lượng hợp lý có thể tiết giảm 20% tổng năng lượng sử dụng. Quy định về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã quy định buộc các doanh nghiệp phải lập báo cáo và phương án thực hiện tiết kiệm năng lượng mỗi năm. Thế nhưng, rất ít doanh nghiệp chấp hành quy định này. Lý do mà nhiều doanh nghiệp thường đưa ra là do thiếu cán bộ có đủ trình độ năng lực quản lý năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất nên khó bố trí vốn cho các hoạt động áp dụng công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng…

Liên quan đến vấn đề này, về phía đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Jica Nhật Bản - đơn vị tài trợ chính cho việc thành lập Trung tâm đào tạo quản lý năng lượng Việt Nam cho biết, để có thể tiết giảm nguồn năng lượng sử dụng thông qua giải pháp cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất, bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư chi phí ban đầu khá cao. Đây là yếu tố gây trở ngại tâm lý lớn nhất của doanh nghiệp. Thế nhưng, họ cần phải thấy rằng, chi phí đầu tư ban đầu sẽ được khấu hao bởi chi phí năng lượng tiết kiệm được. Do đó, về phía Chính phủ cần phải nhất quán trong việc triển khai quy định buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tiết kiệm năng lượng theo lộ trình được định sẵn. Mặt khác, hiện các nguồn quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến công nghệ sản xuất rất phong phú, đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp như Quỹ Giảm thiểu ô nhiễm, Quỹ Xoay vòng vốn, Quỹ Bảo vệ môi trường…

Không chỉ thế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đã thành lập nguồn vốn chuyên hỗ trợ dự án có lợi cho môi trường với lãi suất ưu đãi. Vấn đề còn lại là ý thức của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc phải thực hiện sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Tăng cường áp dụng giải pháp giảm thiểu sử dụng năng lượng để góp phần giảm thiểu phát thải khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giảm áp lực cung ứng năng lượng, nhất là trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, từng bước đảm bảo an ninh nguồn năng lượng trong thời gian tới.

Minh Xuân

Tin cùng chuyên mục