Chuyển hóa triệt để khu vực nguy cơ cao cháy nổ

 Phóng viên:
Chuyển hóa triệt để khu vực nguy cơ cao cháy nổ

Hôm nay (21-7), Đại hội đại biểu Đảng bộ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 khai mạc. Trước thềm đại hội, PV Báo SGGP có dịp trao đổi với đại tá Lê Tấn Bửu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, về công tác PCCC trên một địa bàn phức tạp về an toàn cháy nổ như TPHCM.

Chuyển hóa triệt để khu vực nguy cơ cao cháy nổ ảnh 1

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM (giữa) báo cáo với lãnh đạo TP về công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.



 Phóng viên: Là đơn vị thí điểm thành lập đầu tiên trong cả nước, Cảnh sát PCCC TPHCM đã có những dấu ấn nổi bật nào trong công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố?

Đại tá LÊ TẤN BỬU:
5 năm qua là giai đoạn mà vị trí, vai trò và tầm hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM được nâng lên về mọi mặt. Từ 22 đơn vị và 75 đội trực thuộc ở năm 2010, đến năm 2015, Cảnh sát PCCC TP có 31 đơn vị trực thuộc và 115 đội. Đến nay, 18/24 quận, huyện đã có Phòng Cảnh sát PCCC. Từ mô hình thí điểm ở TPHCM, Chính phủ và Bộ Công an đã cho thành lập thêm 17 đơn vị Cảnh sát PCCC trong cả nước.

Cảnh sát PCCC TP đã phối hợp với các cơ quan liên quan chuyển hóa được 14/17 khu dân cư có nguy cơ cháy cao. Đặc biệt, phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển ngày càng sâu rộng, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Lực lượng PCCC cơ sở và nhân dân đã kịp thời giải quyết 3.676 tin báo cháy; tiến hành tự dập tắt hơn 1.400 vụ cháy (chiếm 64% số vụ cháy).

Trong 5 năm qua, TP xảy ra 2.445 vụ cháy, làm chết 47 người, thiệt hại về tài sản gần 380 tỷ đồng. Cảnh sát PCCC TP đã trực tiếp tổ chức cứu chữa 1.007 vụ cháy; kịp thời ngăn chặn nhiều vụ cháy lan, cháy lớn, bảo vệ an toàn khối lượng tài sản hàng trăm ngàn tỷ đồng. Lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tham gia 517 vụ cứu nạn cứu hộ, cứu sống 385 người, lặn tìm được 264 thi thể. Quá trình thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ, lực lượng Cảnh sát PCCC TP đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tinh thần dũng cảm, tận tụy, mưu trí, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, không ngại hy sinh, gian khổ, được các cấp lãnh đạo và nhân dân tin yêu. 

Cảnh sát PCCC TPHCM có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính. Đại tá tâm tắc nhất điều gì nhất trong công tác này?

Hiện Cảnh sát PCCC TP quản lý khoảng 27.500 cơ sở (tăng hơn 2.000 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ); trong đó có hơn 10.600 cơ sở thuộc diện có nguy hiểm cao về cháy, nổ (tăng gần 4.300 cơ sở). Điều này đặt ra yêu cầu về quản lý công tác PCCC cao hơn. Trong công tác thường trực chiến đấu, Cảnh sát PCCC TP đảm bảo 100% số vụ đều xuất xe khỏi cổng trước 60 giây theo quy định và triển khai chữa cháy đạt hiệu quả cao.

Cảnh sát PCCC TP có nhiều hoạt động cải cách hành chính trong công tác thẩm duyệt, thiết kế và cấp phép về PCCC. Các thủ tục hành chính được thực hiện công khai minh bạch, kỷ luật kỷ cương hành chính được nâng cao; thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa liên thông, duy trì làm việc ngày thứ bảy, bố trí bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính và trả kết quả tại cùng một địa điểm... Thời gian qua, 100% hồ sơ thẩm duyệt, cấp phép và trả lời rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian giải quyết công việc so với thời gian quy định. Công tác thẩm duyệt, cấp phép ngày càng đi vào nề nếp, trở thành khâu đột phá trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần cải thiện môi trường đầu tư vì sự phát triển của TP.

Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ có sự tập trung nguồn lực, kế hoạch như thế nào trong bối cảnh TP ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều nhà siêu cao tầng, các công trình ngầm?

Tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Từ nay đến năm 2020, Đảng bộ Cảnh sát PCCC TP tiếp tục củng cố, kiện toàn và xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC TP chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực. Cảnh sát PCCC TP sẽ hoàn thành xây dựng 6 trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC ở 6 quận, huyện còn lại (quận 5, 10, Tân Bình, Thủ Đức, Phú Nhuận và huyện Hóc Môn); xây dựng các đội PCCC và cứu nạn cứu hộ tại tuyến thượng nguồn sông Sài Gòn, tuyến sông Chợ Đệm - Bến Lức, tuyến sông Nhà Bè - Đồng Nai - Lòng Tàu - Soài Rạp, Khu Công nghiệp Hiệp Phước… 

Cùng với việc mở rộng mạng lưới, Cảnh sát PCCC TP tiếp tục xây dựng và tập luyện các bài chiến thuật chữa cháy nhà siêu cao tầng, đường hầm, đội hình xe thang chữa cháy trên cao, đội hình chữa cháy bằng xe công nghệ mới; tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nắm vững cấu tạo, nguyên tắc hoạt động, tính năng, tác dụng, cách sử dụng và bảo quản các loại phương tiện chiến đấu được trang bị… Cảnh sát PCCC TP phấn đấu kềm chế, kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Trong đó, kéo giảm 10% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Lực lượng PCCC chuyên nghiệp tiếp tục huấn luyện, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và PCCC chuyên ngành; phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia hoạt động PCCC và cứu nạn cứu hộ theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Đến năm 2020, phấn đấu 100% khu phố, ấp thành lập lực lượng dân phòng, 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải có lực lượng PCCC cơ sở; đảm bảo trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và chuyên ngành đầy đủ theo Thông tư 56/2014/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an. Đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, Cảnh sát PCCC TP sẽ tích cực tham mưu chuyển hóa dứt điểm các khu dân cư này.

PHƯƠNG BẢO (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục