Hiểm họa cầu yếu

Hiện tại, trên địa bàn TPHCM còn khoảng 120 cây cầu yếu và có nguy cơ cao bị sập do quá tải bởi lượng lớn phương tiện tham gia lưu thông mỗi ngày.
Hiểm họa cầu yếu

Hiện tại, trên địa bàn TPHCM còn khoảng 120 cây cầu yếu và có nguy cơ cao bị sập do quá tải bởi lượng lớn phương tiện tham gia lưu thông mỗi ngày.

Nguy cơ sập cầu

Đường Bà Hom từ quận 6 chạy ra quận Bình Tân nối vào tỉnh lộ 10 về huyện Bình Chánh rồi đi thẳng huyện Đức Hòa, Đức Huệ tỉnh Long An. Đây là tuyến đường huyết mạch nên lượng xe tải, xe container lưu thông gần như không lúc nào ngớt. Đoạn qua khỏi xa lộ Đại Hàn (quốc lộ 1, quận Bình Tân) hướng ra huyện Bình Chánh chạy về tỉnh Long An đường rộng, xe cộ chạy bon bon nhưng khi gần đến 2 cây cầu Bà Hom và Tân Tạo đều phải đột ngột giảm tốc để qua cầu.

 Ghi nhận của chúng tôi, tại cầu Bà Hom mặc dù cấm xe tải trọng trên 13 tấn, nhưng xe container trên 30 tấn vẫn lưu thông qua đây bất kể ngày đêm. Mỗi lần xe container chạy qua, cầu rung bần bật, mặc dù chúng tôi đứng cách cầu 50m nhưng vẫn cảm nhận được. Anh Lưu Hữu Phú, bán quần áo cách chân cầu khoảng 200m cho biết: “Ban ngày còn đỡ vì hạn chế tải trọng, nhưng từ 21 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau, các loại xe tải, xe container thoải mái chạy ầm ầm. Nhà tôi cách cầu khoảng 300m, mỗi khi xe rú ga qua cầu, nhà rung như máy rung bê tông”. Cách cầu Bà Hom không xa, cầu Tân Kỳ Tân Quý nằm trên đường nối quốc lộ 1A với đường Trường Chinh nên dù cấm xe trên 5 tấn nhưng rất nhiều xe có trọng tải 15 tấn vẫn qua cầu.

Cầu Bà Hom tải trọng 13 tấn nhưng xe container trên 30 tấn thường xuyên qua cầu

Tương tự, cầu Văn Thánh 2 (quận Bình Thạnh) là tuyến đường trọng điểm đi từ cửa ngõ phía Đông của TPHCM, nhưng lại là một trong 100 cây cầu yếu điển hình. Người dân sống ở đây cho biết, từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, khi lượng lớn xe tải, xe container lưu thông là cầu rung lắc, đe dọa an toàn cho người dân xung quanh và các phương tiện lưu thông trên cầu.

Cầu Nhị Thiên Đường 1 (quận 8) nằm trên đường Tùng Thiện Vương kết nối với quốc lộ 50 đi về huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, được xây dựng từ năm 1925. Hiện nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, với tải trọng chỉ 1,5 tấn, cầu Nhị Thiên Đường 1 không đồng bộ với các đường vào cầu, chưa đáp ứng nhu cầu giao thông. Vì vậy, cầu Nhị Thiên Đường 2 phải gánh toàn bộ lượng xe có tải trọng hơn 1,5 tấn cho cầu Nhị Thiên Đường 1, khiến lưu thông của cả hai cầu không phát huy năng lực. Cầu Hàng Ngoài, nối quận Gò Vấp với quận Bình Thạnh, cũng có tuổi thọ khá cao, mật độ giao thông vào giờ cao điểm khá đông, chính vì vậy sức ép lên cây cầu này là khá lớn và những mối nguy hiểm khôn lường luôn rình rập.

Cầu Tân Tạo tải trọng 25 tấn, nhưng hàng ngày xe container trên 30 tấn vẫn lưu thông qua đây bất kể ngày đêm.

Khẩn trương nâng cấp, sửa chữa

Theo số liệu của Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 1.059 cây cầu, khoảng 120 cây cầu đã và đang trong giai đoạn xuống cấp. Qua quá trình kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng đã thống kê được 36 cầu yếu hoặc cầu không đồng bộ tải trọng trên hệ thống đường bộ đang khai thác. Hầu hết các cây cầu này đều đang có dấu hiệu xuống cấp hư hỏng. Điều đáng lưu ý, trong khu vực nội thành cũng đang tồn tại hàng loạt cây cầu yếu đã qua nhiều lần gia cố và quá niên hạn sử dụng.

Đa phần những cây cầu yếu đều nằm ở những vị trí quan trọng đi vào các cửa ngõ của thành phố, nối liền các quận, huyện với nhau. Một trong những nguyên nhân chính khiến hàng loạt cây cầu cũ nhanh hư hỏng và nguy cơ tai nạn luôn rình rập là do nạn xe tải, xe container vẫn ngang nhiên lưu thông dù đã bị cấm. Hàng ngày, nhiều cây cầu hạn chế tải trọng từ 0,5 - 20 tấn nhưng vẫn phải gồng gánh nhiều xe quá tải lưu thông qua đây.

Đại diện Sở GTVT cho biết, đối với các cây cầu cũ, sở đã kiến nghị UBND TP đưa vào danh mục các công trình cầu yếu trên hệ thống đường bộ đang khai thác, cần sửa chữa nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Với 36 cầu yếu qua rà soát, sở cũng đã kiến nghị thành phố khẩn trương cho phép sửa chữa nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới. Tuy nhiên, kinh phí để sửa chữa, nâng cấp ngay một loạt cầu yếu đối với ngân sách là chuyện… khó! Trong khi chờ đợi, Thanh tra Sở GTVT phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm lưu thông quá tải trọng, vi phạm tải trọng cầu trên địa bàn thành phố, đồng thời thường xuyên giám sát, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn.

Danh sách những cây cầu yếu tại địa bàn TPHCM: Cầu Điện Biên Phủ 1, cầu Điện Biên Phủ 2, cầu Thị Nghè (quận 1); cầu Ông Hóa, cầu Ông Tranh, cầu Cá Trê (quận 2); cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Bà Tiếng, cầu Bà Hom, cầu Kinh HL4, cầu Đập (quận Bình Tân); cầu Dừa, cầu Ông Ba (quận 4); cầu Mỹ Thuận (quận 6); cầu Rạch Cát, cầu Vạn Nguyên, cầu Hiệp Ân 2, cầu Nhị Thiên Đường 1, cầu Trắng (quận 8); cầu Thái Bình, cầu Xây 1, cầu Kinh, cầu Bảy Thỏ, cầu Ông Tốt, cầu Mương Chùa, cầu Cá Rô, cầu Nhà Trường, cầu Ông Đào (quận 9); cầu Sơn, cầu Văn Thánh 2, cầu Tôn Thọ (quận Bình Thạnh); cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức); cầu An Lộc, cầu Hang Trong, cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp); cầu Trệt, cầu Thai Thai, cầu Tân Thạnh Đông, cầu Lánh The, cầu Rạch Tra (huyện Củ Chi)…

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục