Cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm soát khí thải

- PV:
Cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm soát khí thải

Trong chỉ số khảo sát môi trường kinh doanh do Phòng Thương mại kinh tế châu Âu thực hiện, lần đầu tiên vấn đề ô nhiễm môi trường không khí được đề cập đến. Tuy kết quả phản hồi về việc chưa tính đến di chuyển kinh doanh ra khỏi Việt Nam chiếm 58%, nhưng có khoảng 18% doanh nghiệp cho rằng họ có thể xem xét việc di dời nếu mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam tiếp tục tăng và 25% còn lại không chắc chắn. Trước thực tế này, TPHCM đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư trang thiết bị hạ tầng nhằm kiểm soát hiệu quả chất lượng không khí, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư doanh nghiệp nói chung. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Một trạm quan trắc kiểm soát chất lượng không khí tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

- PV: Ông đánh giá thực trạng hệ thống giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn TPHCM như thế nào?

>> PGS-TS PHÙNG CHÍ SỸ: Hiện hạ tầng trang thiết bị quan trắc trên địa bàn thành phố rất thủ công. Những trạm quan trắc tự động có tác dụng kiểm soát thường xuyên tải lượng khí thải ô nhiễm trên địa bàn thành phố đã không thể sử dụng được. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phải kiểm soát chất lượng không khí thông qua biện pháp thủ công. Như vậy, kết quả đo đạc chất lượng không khí chỉ có thể xác định tại thời điểm đo. Còn diễn biến chất lượng không khí theo ngày, theo mùa thì chưa kiểm soát được. Hiện thành phố đang gấp rút triển khai dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên toàn địa bàn thành phố, bao gồm quan trắc nước, không khí, biển ven bờ. Tổng chi phí đầu tư gần 400 tỷ đồng. So với nhiều dự án đầu tư các lĩnh vực khác thì không đáng là bao nhưng đây là dự án quan trắc môi trường lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, song song với đầu tư hệ thống quan trắc, thành phố cần phải tính đến những đầu tư khác đi kèm như trung tâm thông tin quan trắc, nhân lực vận hành hệ thống, chính sách kết nối và chia sẻ thông tin quan trắc giữa các đơn vị liên quan trong khu vực và quốc gia. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho hoạt động kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường của thành phố.

- Có ý kiến cho rằng những kết quả quan trắc môi trường hiện nay không đáng tin cậy?

Trong thực tế cũng không ngoại trừ có trường hợp doanh nghiệp bỏ tiền thuê đơn vị quan trắc, nếu không cho số đẹp thì không trả tiền. Do đó, giữa kết quả và thực tế hoạt động của doanh nghiệp không đồng nhất. Tuy nhiên, nếu kết quả quan trắc nhằm phục vụ cho hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng môi trường của các cơ quan chức năng thì không thể không đáng tin cậy. Quan trọng là đặt mục tiêu quan trắc để làm gì thì sẽ có những biện pháp quan trắc phù hợp. Hiện tại, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quan trắc phần lớn là những đơn vị có uy tín với trang thiết bị nhập khẩu từ các nước phát triển. Ngoài ra, giữa các đơn vị quan trắc còn áp dụng biện pháp kiểm tra chéo nên có thể nói kết quả quan trắc là đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu mục đích quan trắc là cảnh giới thì hiện nay chưa thực hiện được do phải thực hiện quan trắc liên tục. Tại thành phố thời gian vừa rồi thực hiện thủ công và gián đoạn nên chỉ đạt mục tiêu đánh giá hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất chứ chưa thể đạt mục tiêu cảnh giới.

- Nên chăng cần phải có quy định trách nhiệm pháp lý của các đơn vị quan trắc môi trường?

Theo tôi, nên đặt trách nhiệm nhiều hơn cho các đơn vị chức năng của Nhà nước. Theo đó, trách nhiệm của Nhà nước cần thiết phải có giám sát môi trường độc lập, sử dụng kinh phí Nhà nước để thực hiện giám sát, quan trắc chất lượng. Nhận thức được điều này nên Chính phủ đã có những điều chỉnh. Lắp đặt quan trắc tự động và chuyển số liệu về trung tâm. Khi đi kiểm tra có những đơn vị giám sát độc lập và sử dụng nguồn ngân sách. Vấn đề khác là phát huy vai trò giám sát của người dân.

- Thực tế đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp xử lý đạt tiêu chuẩn mùi hôi nhưng người dân vẫn khiếu nại ô nhiễm?

Hiện liên quan đến kiểm soát mùi rất phức tạp. Có rất nhiều trường hợp, máy đo đạt tiêu chuẩn quy định nhưng người dân vẫn nghe mùi hôi. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng tồn tại những trường hợp này. Mùi phát sinh sau khi đã được xử lý tuy không hết triệt để nhưng không gây nguy hiểm cho sức khỏe mà chỉ gây khó chịu cho người dân. Điều này là không thể tránh khỏi. Do đó, để có thể hạn chế vấn đề này cần làm tốt hơn công tác quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, cần phân tách khu dân cư với khu sản xuất.

- Hiện TPHCM đang thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hệ thống giám sát chất lượng môi trường. Liệu có khách quan không khi vẫn là tư nhân kiểm soát chất lượng môi trường?

Khách quan hay không phụ thuộc vào cách làm. Nếu là giao cho doanh nghiệp sản xuất từ giám sát và báo cáo chất lượng môi trường sau xử lý của mình đến các cơ quan chức năng thì không thể nào khách quan được. Nếu thực hiện theo hình thức xã hội hóa đầu tư và Nhà nước mua lại chỉ số quan trắc, giám sát môi trường của các đơn vị này thì đáng tin cậy. Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn trọng trong hoạt động kêu gọi đầu tư. Nếu có quá nhiều đơn vị tham gia đầu tư với nhiều chủng loại công nghệ khác nhau (có loại đáng tin cậy, có loại không đáng tin cậy) thì sẽ tạo nên những hỗn lại thông số chất lượng môi trường. Đến lúc đó sẽ rất khó để sử dụng cũng như đưa ra những giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Do đó, nếu được, nên lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, uy tín và công nghệ hiện đại, có chất lượng cao để cấp phép đầu tư vấn đề này.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục