Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu nước ngọt gia tăng

Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu nước ngọt gia tăng

Chỉ tính đợt hạn hán diễn ra từ đầu năm 2016 đến nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thiệt hại 160.000ha lúa, tương đương thất thu 800.000 tấn lúa. Khoảng 250.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Theo các chuyên gia môi trường, tình trạng này sẽ còn diễn biến tiếp tục trong thời gian tới, thậm chí Việt Nam sẽ phải đối mặt gay gắt hơn với tình trạng thiếu nước ngọt.

Nhu cầu sử dụng nước tăng cao

Tình trạng thiếu hụt nguồn nước xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt sạch của người dân vùng ĐBSCL, trong khi nguồn nước cung ứng ngày càng cạn kiệt do ô nhiễm và phụ thuộc vào nguồn nước ngoài lãnh thổ. Các nước khu vực thượng nguồn cũng đang tăng cường đầu tư các công trình sử dụng nguồn nước.

Cụ thể, đến năm 2020, ĐBSCL cần khoảng gần 2 triệu m³ nước/ngày đêm. Con số này sẽ tăng lên 2,65 triệu m³ nước/ngày đêm vào năm 2025 và 3,27 triệu m³ nước/ngày đêm vào năm 2030. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là có tới 520 tỷ m³ nước được sản sinh từ ngoài nước đang cung ứng cho các hệ thống lưu vực sông chính của Việt Nam, chiếm 62% tổng lượng nước. Trong đó, hệ thống sông Cửu Long là 420 tỷ m³ chiếm 81%, sông Hồng là 52 tỷ m³ chiếm 10%. Còn lại 9% trên hệ thống sông khác. Nếu tính tổng lượng nước cả năm/người xấp xỉ 10.000m³/người/năm (kể cả nguồn nước từ nước ngoài vào). Còn lượng nước sản sinh trong nước chỉ đáp ứng khoảng đạt 3.800m³/người/năm.

Một góc hồ chứa nước thô Nhà máy nước kênh Đông. Ảnh: CAO THĂNG

Trên thực tế, tình trạng thiếu nước ngọt mùa khô trong những năm qua diễn biến rất phức tạp. Hiện đã có 4 trong 16 lưu vực sông được xếp loại thiếu nước ở mức “căng thẳng cao” đó là lưu vực sông Mã, hệ thống lưu vực sông khu vực Đông Nam bộ, sông Hương, sông Đồng Nai. Nhiều lưu vực khác cũng đang tiến tới mức “căng thẳng cao”.

Đại diện Công ty cổ phần B.O.O nước Thủ Đức cho biết, cao điểm vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm, nhà máy phải ngưng lấy nước trong những giờ nhất định vì độ mặn xâm nhập quá mức cho phép. Đơn vị đã phải tính đến phương án dịch chuyển ống lấy nước lên cao hơn về phía thượng nguồn để phòng ngừa rủi ro không lấy nước thô xử lý phục vụ sinh hoạt người dân trên địa bàn thành phố.

Để giải quyết vấn đề rủi ro thiếu nguồn nước ngọt sinh hoạt cho người dân khu vực ĐBSCL, PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất đầu tư xây dựng 5 nhà máy cấp nước liên vùng sẽ được đầu tư xây dựng là Sông Tiền 1 có công suất 1000.000m³ nước/ngày đêm, Sông Tiền 2 với công suất 200.000m³ nước/ngày đêm, Sông Hậu 1 với công suất 400.000m³ nước/ngày đêm, Sông Hậu 2 với công suất 200.000m3 nước/ngày đêm và Sông Hậu 3 với công suất 100.000m3 nước/ngày đêm.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là huy động nguồn vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư 5 nhà máy trên cộng với hệ thống truyền tải nguồn nước cấp dự kiến từ 1,3 -1,7 tỷ USD.

Đến nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng ý hỗ trợ Chính phủ Việt Nam 400 triệu USD, Chính phủ bỏ vốn đối ứng 40 triệu USD để thực hiện đầu tư giai đoạn 1.

Phải thừa nhận rằng, việc nghiên cứu chỉ mới là bước đầu. Còn lại số tiền đầu tư cần huy động từ nguồn xã hội hóa là rất lớn và sẽ gặp nhiều khó khăn.  

Đầu tư dự án phải tính đến {sức chịu tải của người dân

Việc xây dựng hoàn thiện nhà máy nước liên vùng trên sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn cung ứng nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, theo ông Ưng Quốc Dũng, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cần phải cân nhắc hơn trong việc đầu tư để tránh lãng phí do đầu tư trùng lắp. Nhất thiết phải tính đến yếu tố hạ tầng hiện hữu.

Hiện toàn vùng ĐBSCL có 4.200 nhà máy cấp nước sạch. Số lượng nhà máy còn tăng lên trong thời gian tới do nguồn tài chính đầu tư từ chương trình phát triển cấp nước sạch nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Các nhà máy nước này cũng đang có hệ thống phân phối, truyền tải nước. Do đó, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến tình trạng dự án mới chồng dự án cũ, gây lãng phí. Mặt khác, đặc tính định cư của người dân vùng ĐBSCL là thưa thớt. Nếu đầu tư với tổng số với lên đến 1,3 - 1,7 tỷ USD từ nguồn xã hội hoá thì có phù hợp với sức chịu tải của người dân?

Một vấn đề khác cũng được ông Trần Văn Chí, đại diện Công ty VMC group đặt ra, các dự án của Việt Nam thường có giá thành cao là vì không đổi mới cách thức thi công cũng như sử dụng nguyên vật liệu mới. Đơn cử, với hệ thống truyền tải nước, nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang sử dụng ống nhựa, vừa dễ thi công, thay đổi cho phù hợp nhu cầu và đặc biệt rút ngắn 1/3 thời gian thi công so với cách xây dựng, lắp đặt hệ thống cấp nước bằng bê tông truyền thống hiện nay. Đáng tiếc là cho đến nay các công ty cấp nước Việt Nam vẫn áp dụng phương thức thi công cũ, khiến cho chi phí đầu tư tăng cao và thời gian thi công bị kéo dài…

Có thể nói, nếu tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay không được cải thiện, mực nước biển tiếp tục dâng lên và đạt mức 1m trong thời gian tới thì sẽ có 10%-20% dân số nước ta sẽ bị ảnh hưởng. TPHCM sẽ bị ngập 20% diện tích và GDP Việt Nam sẽ giảm 10%. Đã đến lúc vấn đề an ninh nguồn nước cần phải được xem xét và đầu tư tổng thể, toàn diện hơn.

Ông Nguyễn Hồng Tiến khẳng định, trong kỳ họp báo cáo Chính phủ gần nhất liên quan đến nghiên cứu triển khai dự án, bộ sẽ tính đến những giải pháp khả thi nhất và giảm tối đa có thể chi phí đầu tư để tránh lãng phí trong đầu tư.

MINH XUÂN 

Tin cùng chuyên mục