Tăng trưởng nhưng cần bền vững

Theo Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục và phát triển môi trường (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), chất lượng môi trường tại Việt Nam đang chịu sức ép nặng nề của phát triển kinh tế, nhất là tại các đô thị và các khu công nghiệp. Trung bình mỗi năm, Việt Nam bị giảm 0,91% GDP do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ô nhiễm môi trường. Để giải quyết thực tế: kinh tế càng phát triển, môi trường càng ô nhiễm hơn, chúng ta cần gấp rút triển khai tăng trưởng xanh, hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển nông nghiệp thông minh; khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ sạch, xanh…

Câu chuyện ngày 23 tháng Chạp, các bạn trẻ Hà Nội kêu gọi khi thả cá đừng thả bao ni lông xuống hồ là một ví dụ cụ thể về ý thức bảo vệ môi trường sống. Các khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu, giáo dục và phát triển môi trường cho thấy tại Việt Nam, thói quen tiêu dùng còn bị chi phối bởi văn hóa nhận thức, điều kiện kinh tế và lối sống. Tiêu dùng bền vững, hiện mới chỉ dừng lại ở mức nâng cao nhận thức cộng đồng, chưa thực sự có tính phổ biến và bền vững. Hiện nay các chương trình cấp nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sinh thái…, để thúc đẩy sản xuất vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả.

Tương tự, chiến dịch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cũng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Cơ chế này mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng ô nhiễm, sản xuất sạch hơn đồng nghĩa với giảm thiểu chất thải và phòng ngừa ô nhiễm, đây cũng là một bước hữu ích cho hệ thống quản lý môi trường như ISO 14000. Song, hiện nay nhiều DN lại chưa mặn mà với các dự án này, dẫn đến tình trạng chi phí cho năng lượng phục vụ sản xuất ở các cơ sở vẫn còn cao.

Các chuyên gia môi trường nhận định, hiện tượng BĐKH và ô nhiễm môi trường đang là thách thức cho sự phát triển của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cần tăng cường các giải pháp như hỗ trợ vốn đầu tư công nghệ mới, đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức, nghiên cứu giảm thuế cho các sản phẩm sản xuất xanh để mở rộng hơn nữa quy trình sản xuất công nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh... Trên bình diện quốc gia, Việt Nam đang tiếp cận và thực hiện các sáng kiến để phát triển bền vững như chương trình hợp tác của LHQ về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển; tiếp cận khái niệm về vốn tự nhiên, đổi mới sinh thái; phát triển các DN xã hội… Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công các dự án này, Việt Nam cần thay đổi về hệ thống pháp luật, chính sách, văn hóa, nâng cao nhận thức, triệt bỏ thói quen cũ trong sản xuất, hướng đến mục tiêu không chỉ trở thành  nước công nghiệp, nông nghiệp phát triển, mà còn là nước có môi trường sống an toàn, một cộng đồng luôn ý thức bảo vệ môi trường sống xanh.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục