2016 - Năm của các công trình giao thông

Năm mới Bính Thân 2016 sẽ là một năm mà TPHCM tất bật với việc đầu tư xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị.
2016 - Năm của các công trình giao thông

Năm mới Bính Thân 2016 sẽ là một năm mà TPHCM tất bật với việc đầu tư xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị.

2015 - Nhiều công trình trọng điểm về đích

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cải tạo các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, cầu vượt tại nút giao quốc lộ 1 - hương lộ 2 (thuộc dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, đoạn từ An Sương đến An Lạc)… là những dẫn chứng tiêu biểu cho các công trình trọng điểm đã được ngành giao thông vận tải (GTVT) hoàn thành trong năm Ất Mùi 2015 vừa qua trên địa bàn TPHCM.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, nhận xét rằng điểm chung nổi bật của toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị đã về đích trong năm qua nằm ở chỗ đó đều là những dự án, hạng mục có ý nghĩa quan trọng, thiết thực. Lấy công trình đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây làm ví dụ. Công trình với chiều dài 54km, đáp ứng 4 làn ô tô lưu thông này được Bộ GTVT tổ chức khánh thành toàn tuyến vào tháng 2-2015, được đánh giá là sẽ góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khi có tác dụng kết nối hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, kết nối với sân bay Long Thành trong tương lai và hệ thống nhóm cảng biển số 5 Bà Rịa - Vũng Tàu - TPHCM. Không những thế, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng vô hình trung góp phần kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 1, đoạn Dầu Giây - nút giao thông Thủ Đức và cả trên tuyến xa lộ Hà Nội cũng như rút ngắn thời gian đi từ Dầu Giây, Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân các địa phương trong khu vực công trình đi qua.

Tương tự, công trình xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía Đông sau khi hoàn thành thông xe ngay trước Tết Bính Thân đã giúp kết nối với đường D1, D2 trong Khu công nghệ cao TPHCM để ra xa lộ Hà Nội và đường Lê Văn Việt; tạo ra hướng giao thông mới từ đường vành đai phía Đông ra xa lộ Hà Nội, rút ngắn khoảng cách lưu thông từ Khu công nghệ cao ra các cảng biển và về phía Tây Nam thành phố, đồng thời kéo giảm tình trạng quá tải hiện nay trên những cung đường Đồng Văn Cống, đường Mai Chí Thọ ra nút giao Cát Lái.

Công trình giao thông trọng điểm: Tuyến đường sắt đô thị số 1 bến Thành - suối Tiên. Ảnh: cao Thăng

2016 - Khởi công nhiều dự án mới

Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Văn Tám cho biết, bước sang năm Bính Thân, toàn địa bàn thành phố sẽ tiếp tục hoàn thành hoặc khởi công mới hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị quan trọng khác. Tiêu biểu cho các công trình chuyển tiếp từ năm 2015 sang có thể nhắc đến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm, nâng cấp mở rộng đường Lương Định Của, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên… Trong khi đó, đại diện cho các dự án khởi công mới bao gồm xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy thuộc quận 2, hầm chui tại nút giao thông An Sương, đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, sửa chữa nâng cấp cầu Nhị Thiên Đường 1…

 

 Việc hoàn thành công trình cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Huệ ở trung tâm quận 1 đã tạo nên một tổng thể không gian kiến trúc hài hòa, đồng bộ, hiện đại, giúp làm tăng mỹ quan đô thị khu vực, tạo không gian đi bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân cũng như khách du lịch khi đến tham quan thành phố.

 

Có thể nói, việc ấn định thời biểu khởi công dự án hầm chui tại nút giao thông An Sương thuộc địa bàn quận 12 ngay trong quý 2-2016 là một tin vui cho những người thường xuyên qua lại nơi đây. Theo kế hoạch, một hầm chui đôi bằng bê tông cốt thép sẽ được xây dựng trên hướng Trường Chinh - quốc lộ 22, mỗi hướng giao thông một hầm với thiết kế cho 2 làn xe/hầm, khoảng cách giữa hai hầm dao động từ 8m - 10m. Một khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hầm chui đôi này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải giao thông xảy ra thường xuyên ở đây, giảm thiểu đáng kể nguy cơ tai nạn giao thông cũng như giúp các phương tiện tham gia giao thông qua nút giao và qua các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 22 được thuận lợi hơn.

Trong khi đó, công trình xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa là nhằm từng bước hoàn chỉnh, khép kín tuyến đường Vành đai 2 quan trọng nhất thành phố. Bởi lẽ khi đường Vành đai 2 hoàn thành khép kín sẽ có tác dụng kết nối thuận lợi với các tuyến như quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50; các tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… cũng như tất cả các tuyến đường hướng tâm và xuyên tâm thành phố. Bấy giờ, giao thông giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa các khu đô thị của thành phố, giao thông kết nối với các cảng biển, kết nối với các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, đồng nghĩa giảm áp lực quá tải ở một số khu vực như hiện nay, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục