Việt Nam cam kết giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5° C

Việt Nam cam kết giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5° C

(SGGPO).- Ngày 27-4, tại TPHCM, Tổ chức CHANGE/350.org Việt Nam phối hợp với Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức buổi hội thảo "Ngã rẽ năng lượng: Thay đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu" nhằm thúc đẩy tiếng nói của cộng đồng trong việc đảm bảo phát triển bền vững của đất nước thông qua việc nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa phát triển năng lượng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và các vấn đề môi trường.

Tham gia hội thảo có hơn 120 đại biểu đại diện cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM, Lãnh sự quán Pháp, Mỹ và Canada, đại diện các tổ chức Phi chính phủ quốc tế và Việt Nam...Theo Các chuyên gia và diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế, sau khi đã ký cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH COP21 tại Paris vào cuối năm 2015, chính phủ các nước trên toàn thế giới hiện đang nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2°C và để làm được điều này, ngành sản xuất điện trên toàn cầu phải loại bỏ hoàn toàn than đá cho tới năm 2050.

Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, tìm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: Thành Sơn

Bà Iviva Imhof - Thành viên Quỹ khí hậu châu Âu cho rằng, Việt Nam là đất nước nằm trong nhóm những nước chịu ảnh hưởng và đã cam kết giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5° C. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đi trái chiều với xu thế chung của thế giới, khi là nước đứng thứ 3 thế giới về xây dựng nhà máy điện, với tổng công suất lên tới 55GW vào năm 2030 và nhiệt điện than sẽ vẫn chiếm tới 53% tổng cơ cấu nguồn điện trong 15 năm tới, dù Việt Nam có tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo (gió và năng lượng mặt trời).

Bên cạnh câu chuyện về năng lượng, các diễn giả tại hội thảo cũng đưa ra những thông tin cập nhật về tình hình BĐKH nghiêm trọng tại Việt Nam như: hạn hán và ngập mặn kỷ lục tại miền Trung và miền Nam gây ra những hậu quả nặng nề đối với cộng đồng và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chia sẻ vấn đề này các chuyên gia nghiên cứu và các nhà đầu tư cũng đã đưa ra đề xuất về các giải pháp năng lượng bền vững có thể áp dụng tại Việt Nam, góp phần nỗ lực tìm giải pháp năng lượng bền vững chống biến đổi khí hậu.

Thành Sơn

Tin cùng chuyên mục