''Ốc đảo'' tái định cư

Việc xây dựng khu tái định cư (TĐC) tại khu đất hoang vắng, thiếu thốn hạ tầng, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của cư dân cũng là nguyên nhân khi bàn giao nhà người dân không nhận nhà, dẫn đến hàng ngàn căn nhà bỏ trống, hết sức lãng phí…
''Ốc đảo'' tái định cư

Việc xây dựng khu tái định cư (TĐC) tại khu đất hoang vắng, thiếu thốn hạ tầng, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của cư dân cũng là nguyên nhân khi bàn giao nhà người dân không nhận nhà, dẫn đến hàng ngàn căn nhà bỏ trống, hết sức lãng phí…

Thoi loi giữa cánh đồng

Trong chương trình đổi đất lấy hạ tầng, khu đất 350ha tại xã Phước Kiểng và xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TPHCM) được giao cho GS, đơn vị đầu tư xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Hiện nay, khu đất đang san lấp, hứa hẹn sẽ biến thành khu đại đô thị sánh tầm với khu đô thị Phú Mỹ Hưng trong thời gian không xa. Nhưng bây giờ hãy trở về với thực tại, một khu TĐC hoang vắng, tiềm ẩn nhiều hiểm họa rình rập…

Sau gần 10 năm đưa vào hoạt động, đến nay Trung tâm thương mại phục vụ cư dân khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) vẫn đang bỏ trống

Từ đường Lê Văn Lương quẹo vào con hẻm khoảng 20m là có nhà dân dọc theo hai bên đường, từ đó đi sâu hơn 2km cho tới khu TĐC, hai bên không một bóng nhà. Cuối con đường ngoằn ngoèo, giằng xóc vì thảm nhựa sơ sài là một khu nhà mới xây có khoảng hơn chục nóc nhà đã và đang mọc lên, đó là khu TĐC GS. Bà Ngô Thị Liêm, chủ một căn nhà đang xây dang dở, vui vẻ cho biết bắt đầu xây nhà gần hai tháng qua; chỗ ở mới sẽ là nơi định cư cho “tam đại đồng đường”. Vì TĐC nên được xây dựng tự do, lô đất 7m x 20m được thiết kế khá đẹp mắt, chừa lối đi bên hông, cao ba tầng. Sự hồ hởi nhanh chóng tan biến khi đề cập đến sự an toàn khi sinh sống nơi đây. Khu dân cư nhỏ thó, chỉ vài con đường dọc ngang, không có tường rào bao bọc, không có bảo vệ, không công viên cây xanh… Bà Liêm nói thêm: “Hiện tại không có đơn vị dọn vệ sinh thu gom rác, đèn đường không có. Nhiều khi đêm khuya muốn về thăm nom việc xây nhà đều không dám đi, vì con đường heo hút kéo dài”. Một người dân đã dọn về ở đây khá lâu hết sức than phiền, vì vắng vẻ quá nên thường trực khóa cửa để phòng ngừa bất an; đêm hôm có việc gì đi đâu cũng phải tranh thủ về sớm, không dám tản bộ tập thể dục.

Khu TĐC nằm thoi loi giữa cánh đồng, hoành tráng nhất phải kể đến khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Dự án gồm có 30,9ha, đã xây dựng 45 lốc chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ; 529 nền đất, tổng số vốn thành phố đã đầu tư vào dự án hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy quy mô hoành tráng như vậy nhưng đến nay, bố trí dân vào ở chưa quá 400 căn hộ. Kể từ hơn 6 năm đưa vào sử dụng, dự án vẫn chưa hoàn chỉnh hạ tầng, con đường đi vào khu dân cư vẫn là đường tạm, vì cư dân ở ít nên đêm xuống trông thật lạnh lẽo, hoang vắng. Hiện nay, việc bố trí cư dân, vận hành khu TĐC này đang là vấn đề nóng bỏng của thành phố!

Hệ quả một thời?

Ông Nguyễn Hữu Anh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nhà Bè, cho biết khu TĐC Lập Phúc có diện tích 3,4ha, được UBND huyện nhà Bè quyết định phê duyệt giao đất năm 2009, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Lập Phúc làm chủ đầu tư. Nhằm tổ chức TĐC cho hộ dân bị giải tỏa bởi dự án GS, huyện Nhà Bè mua lại nền đất của công ty này để bàn giao cho người dân. Hai năm qua, huyện đã giao nền, người dân tiến hành xây dựng nhà cửa định cư. Hiện nay dự án vẫn đang trong tình trạng dang dở, vì chủ đầu tư chưa xây xong nên huyện Nhà Bè chưa trả hết tiền cho chủ đầu tư.

Đối với khu TĐC Vĩnh Lộc B, mới đây trong buổi họp báo, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, tâm tình: “Tôi về làm Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh năm 2008, để khởi công dự án, huyện phải mất 8 năm giải phóng mặt bằng TĐC. Nhưng khi đầu tư xong và thực tiễn từ nhiều dự án khác, mới vỡ ra một bài học, tức là nơi ở của người dân không chỉ là căn hộ mà còn là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, còn là việc học, việc làm, đi lại và sinh hoạt. Khu TĐC Vĩnh Lộc B thuộc cánh Bắc, dù có rất nhiều dự án ở cánh Nam Bình Chánh có nhu cầu TĐC nhưng lại không thể đưa người dân từ cánh Nam về cánh Bắc định cư; cũng không thể đưa người dân sống ở vườn, đồng ruộng đất mênh mông lên căn hộ; lại càng không thể đưa dân từ quận 1 lên được. Chỉ có người dân ở quận Bình Tân, quận 6 và một số hộ khó khăn mà tiền không đủ mua nhà TĐC đưa về đây giống như nhà ở xã hội để trả góp thì họ mới chấp nhận”.

Câu hỏi đặt ra: “Tại sao nhà ở của các doanh nghiệp tư nhân xây dựng bán giá cao mà dân vẫn mua, còn dự án TĐC đầu tư từ vốn ngân sách có giá rẻ dân lại chê?”. Muốn xử lý tận gốc vấn đề các dự án TĐC có nhà bỏ hoang trên địa bàn TPHCM, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có một cách nhìn toàn diện và thực hiện nghiêm túc.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục