Trách nhiệm xã hội và thương hiệu doanh nghiệp

Ngoài chất lượng thì yếu tố an toàn đối với sức khỏe và thân thiện với môi trường đang chi phối xu hướng tiêu dùng sản phẩm tại các thị trường trên thế giới; đặc biệt là tại thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Ngoài chất lượng thì yếu tố an toàn đối với sức khỏe và thân thiện với môi trường đang chi phối xu hướng tiêu dùng sản phẩm tại các thị trường trên thế giới; đặc biệt là tại thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Một cảnh báo đã được đưa ra với doanh nghiệp (DN) Việt Nam là cần phải có chiến lược để thay đổi cách thức sản xuất và định dạng dòng sản phẩm của mình. Tuy nhiên, với các DN Việt Nam, việc chuyển đổi sản xuất theo xu hướng này vẫn còn chậm.

Đơn cử tại thị trường châu Âu, các hệ thống phân phối đã bắt đầu định dạng hai khu vực trưng bày sản phẩm rất rõ. Nhóm một là dòng sản phẩm an toàn sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Nhóm hai cho dòng sản phẩm bình thường tức là đảm bảo yếu tố không gây hại cho người tiêu dùng. Sự định dạng này cũng được kết hợp với những chính sách khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm nhóm 1. Không những thế, người tiêu dùng tại nhiều thị trường trên thế giới cũng được tuyên truyền rất mạnh về ý thức bảo vệ môi trường thông qua hành vi tiêu dùng của mình.

Vấn đề đáng nói là trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng đang có sự dịch chuyển mạnh thì yếu tố trách nhiệm xã hội vẫn chưa được DN Việt Nam đầu tư và chú trọng. Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, số lượng DN có hành vi vi phạm môi trường vẫn còn rất phổ biến. Hiện nay cả nước có khoảng hơn 400.000 DN đang hoạt động, trong đó 97% là các DN nhỏ và vừa. Chỉ tính riêng trong năm 2015, có đến 520 DN có hành vi vi phạm môi trường bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt với số tiền gần 60,7 tỷ đồng. Chưa kể, hàng trăm DN khác tại mỗi tỉnh bị thanh tra chuyên ngành kiểm tra và xử lý. Nguyên nhân chính được các cơ quan chức năng thống kê chủ yếu là do nhận thức của DN còn chưa đầy đủ. Hoặc lãnh đạo DN có quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nhưng bị hạn chế vốn đầu tư nên sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, cũng có những DN có khả năng đầu tư phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng khả năng cạnh tranh trên thị trường kém do giá thành sản phẩm cao hơn những sản phẩm cùng loại nhưng thiếu yếu tố thân thiện với môi trường. Đây cũng là lý do mà các DN không mặn mà trong đầu tư.

Ông Sathish Kumar Somuraj, Tổng Giám đốc TUV SUD Việt Nam, nhấn mạnh hiện nay truyền thông đang phát triển mạnh mẽ. Người dân nói chung đều có thể tiếp nhận mọi ngóc ngách thông tin của thế giới. Do vậy, nếu DN của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới có hành vi vi phạm môi trường, vi phạm trách nhiệm xã hội, họ sẽ bị cộng đồng người dân thế giới nhận diện và tẩy chay sử dụng. Mức độ tẩy chay đối với sản phẩm của DN đó còn phụ thuộc vào nhận thức của người tiêu dùng mỗi nước. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng, với những nước tiên tiến thì những thiệt hại kinh tế mà DN phải gánh chịu là rất nặng nề. DN còn có thể bị nước nhập khẩu hàng hóa phạt hoặc bị yêu cầu kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu. Cao hơn nữa, doanh nghiệp còn bị mất thị trường do hiệu ứng domino của lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa vào thị trường nhiều nước.

Những vấn đề này cũng được xem là rào cản kỹ thuật mà các nước thành viên hiệp định thương mại sẽ áp dụng trong bối cảnh kinh tế mới hiện nay. Rào cản này sẽ ngày càng được các nước hoàn thiện và thực hiện chặt chẽ. Do vậy, DN cũng cần có những bước đi phù hợp để thích ứng với xu hướng thị trường mới này, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục