Dự án chống ngập… gây ngập

Sau khi khởi công dự án chống ngập từ tháng 5-2016 đến nay, đời sống sinh hoạt của người dân trên khu vực đường Kinh Dương Vương, đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân bị xáo trộn, buôn bán ế ẩm. Đây là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Tây TP, vốn đã ngập nay tình trạng ngập càng trầm trọng hơn vì việc thi công quá chậm chạp.
Dự án chống ngập… gây ngập

Sau khi khởi công dự án chống ngập từ tháng 5-2016 đến nay, đời sống sinh hoạt của người dân trên khu vực đường Kinh Dương Vương, đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân bị xáo trộn, buôn bán ế ẩm. Đây là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Tây TP, vốn đã ngập nay tình trạng ngập càng trầm trọng hơn vì việc thi công quá chậm chạp.

Không mưa cũng ngập

Sau trận ngập chiều tối 23-7, trở lại khu vực này vào ngày hôm qua (24-7) chúng tôi thấy người dân vẫn tất bật tát nước, lau dọn nhà vì nước ngập vào nhà vẫn chưa rút hết. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, ngụ 323 Kinh Dương Vương đang lau chùi nền nhà cho biết, trận mưa lớn hôm qua làm ngập cả khu vực này, không chỉ nhà ngoài mặt tiền ngập mà các nhà ở sâu trong hẻm và các tuyến đường nhỏ cũng ngập sâu, đến giờ vẫn còn ngập. Cứ mỗi lần ngập nếu ai không kịp thu dọn, đồ đạc sẽ bị hỏng, nhất là đồ điện, đồ dễ thấm nước. Đi sâu vào các con hẻm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì hàng loạt nhà dân vẫn nhem nhuốc bùn do nước tràn gần nửa mét, hậu quả của trận mưa chiều tối 23-7 để lại. Anh Trần Văn Thọ ngụ đường Lê Văn Phép nối thông với đường Kinh Dương Vương đang sửa hai cây quạt cho biết, vợ chồng đi làm tối về thấy trong nhà nước lênh láng, đồ đạc nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Dọn dẹp cả đêm qua giờ mới tạm ổn, hai cây quạt không còn chạy được nữa do ngập nước. “Trước đây, cũng ngập nhưng nước rút nhanh. Từ khi dự án nâng đường thi công, nước rút rất chậm, trong khi đó nước tràn từ ngoài đường lớn vào đường nhỏ rất nhanh khiến nhiều người trở tay không kịp” - anh Thọ cho biết.

Đoạn đường Kinh Dương Vương, quận 6 được đổ đất, đá cao hơn 1m so với mặt đường cũ để nâng cấp chống ngập. Ảnh minh họa: QUANG KHOA

Chủ tiệm kinh doanh quảng cáo tại 323 đường Kinh Dương Vương nói: “Gần hai tháng nay, kinh doanh ế ẩm. Đường nâng lên quá cao khiến nhà tôi thấp hơn mặt đường hơn 1 mét, nhìn mặt tiền nhà chẳng còn thẩm mỹ gì, sắp tới chắc phải đập bỏ để nâng nền lên mới mong buôn bán, kinh doanh được chứ để vậy khách hàng ai mà vào giao dịch. Đã thế, do nền nhà thấp hơn mặt đường nên mỗi khi mưa lớn, nước tràn cả vào nhà. Không riêng gì nhà của tôi mà việc buôn bán của người dân hai bên đường Kinh Dương Vương bị đảo lộn. Ở hai bên đường này, khoảng 8 năm nay, nhiều gia đình đã ba lần nâng nền nhà theo mặt đường, riết rồi nhà biến thành… hầm chứa nước. Chống ngập kiểu này khác gì chuyển ngập vào nhà dân”.

Chạy dọc theo hai bên đường suốt chiều dài hơn 3,5km của đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, công trường nâng đường chống ngập chỉ có vài chiếc xe lu đang hoạt động. Mặt đường lởm chởm đất đá, hai bên vỉa hè thì những hố ga, bồn cây xanh, tường bao đơn vị thi công xây cao gần cả mét bỏ chỏng chơ. Nhiều đoạn vỉa hè đã bị xới tung, gạch, đá đổ ngổn ngang. Xà bần vương vãi tràn vào cả nhà dân gây cản trở giao thông. Thế nhưng đơn vị thi công không hề có bảng cảnh báo nguy hiểm hay rào chắn theo đúng quy định. Đã có trường hợp người chạy xe máy gặp tai nạn khi va vào những hố xây này. Không chỉ thế, việc thi công tại đây còn khiến tình hình giao thông tại công tình này trở nên phức tạp. Trong các giờ cao điểm, nhiều đoạn giao thông luôn bị ùn ứ.

Thi công ì ạch

Theo UBND quận Bình Tân, dự án nâng đường Kinh Dương Vương do Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP làm chủ đầu tư, được khởi công vào quý 4-2015 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017. Theo hồ sơ kỹ thuật của dự án này, mặt đường Kinh Dương Vương được nâng cao từ 0,7m đến hơn 1m, phần vỉa hè nâng từ 0,4m đến 1,2m. Thực tế khi thi công, có nhà dân thấp hơn mặt đường mới từ 1,8m đến 2,2m. Dự án ảnh hưởng 539 hộ dân sinh sống ở mặt tiền đường, 27 cơ quan hành chính; nếu tính cả 44 tuyến đường thông ra con đường này thì hàng ngàn căn nhà sẽ bị ảnh hưởng. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân khẳng định, việc nâng đường để hết ngập tạo điều kiện cho người dân lưu thông là cần thiết, tuy nhiên dự án ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 500 hộ thì người dân chẳng được cung cấp thông tin gì. Chỉ đến khi đơn vị thi công đổ đất đá nâng nền, xây cao cống thoát nước, bồn cây, trụ điện thì dân mới biết đó là dự án chống ngập của thành phố...

Theo Công ty TNHH Tư vấn thiết kế BR, đường Kinh Dương Vương trong khu vực đô thị, không đi gần mép sông, rạch, nên mục tiêu dự án là nâng cao mặt đường hiện hữu chống ngập. Cụ thể, cao độ thiết kế +2.0 m tại tim đường, riêng mép đường +1.7 m, trong đó độ dốc ngang mặt đường là 2%. Toàn bộ dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương dài 3,5km, rộng 48m với tổng mức đầu tư là 730,5 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP về việc hạ thấp mặt đường và vỉa hè để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong dự án, Sở Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn thiết kế và Trung tâm chống ngập vẫn cho rằng cần giữ nguyên cao độ thiết kế nhằm tránh khả năng tái ngập trên tuyến đường. Mặc dù UBND TP chỉ đạo tìm giải pháp đồng bộ để giảm độ cao vỉa hè, bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực và yêu cầu các đơn vị liên quan tính toán mức hỗ trợ cụ thể cho người dân bị thiệt hại trong dự án. Thế nhưng, gần hai tháng trôi qua, đơn vị thi công vẫn chưa thấy động tĩnh gì đến phương án thi công vỉa hè.

Các chuyên gia chống ngập cho rằng, đường Kinh Dương Vương là tuyến đường cửa ngõ phía Tây quan trọng của thành phố và cũng là tuyến đường trọng điểm phát triển kinh tế của quận Bình Tân, quận 6, huyện Bình Chánh... Nâng đường để chống ngập cũng là giải pháp nhưng không căn cơ, nếu nâng cao đường không ngập, chắc chắn ngập sẽ đẩy sang các khu vực lân cận có nền đất thấp hơn, tạo ra điểm ngập mới và gây ra những hệ lụy về giao thông, kinh tế của khu vực này.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục