Chỉ 19/91 bãi xử lý chất thải rắn đạt chuẩn

Sáng 23-8, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Bộ Xây dựng, Chương trình định cư của Liên hợp quốc, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chỉ 19/91 bãi xử lý chất thải rắn đạt chuẩn

(SGGPO).- Sáng 23-8, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Bộ Xây dựng, Chương trình định cư của Liên hợp quốc, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quang cảnh diễn đàn

Diễn đàn thu hút khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo Nhà nước, các cơ quan Trung ương (các bộ, ngành có liên quan), UBND các tỉnh, thành phố, các đại sứ quán, các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức phát triển quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, đại diện các thành phố trên thế giới, khu vực tư nhân và một số đối tác khác tham dự.

Diễn đàn được tổ chức nhằm triển khai các định hướng phát triển đô thị của Chính phủ, hỗ trợ các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu quy hoạch và phát triển đô thị bền vững. 

Bên cạnh đó, diễn đàn còn hướng đến thúc đẩy các sáng kiến của địa phương trong việc triển khai Mục tiêu số 11 (Đô thị và Cộng đồng bền vững) trong khuôn khổ Mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp cho xây dựng Chương trình Đô thị mới trong Habitat III và tăng cường cam kết thực hiện Thoả thuận Paris và Báo cáo INDC của Việt Nam; Giới thiệu một số nguyên tắc, hướng dẫn về tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và phát triển đô thị, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thành phố xanh; Xác định các sáng kiến phát triển nguồn lực và cơ hội đầu tư cho các đô thị Việt Nam, thảo luận ý tưởng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu với các bên liên quan; Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong quy hoạch và phát triển đô thị theo định hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu giữa chính quyền, khối tư nhân, nhà tài trợ và các bên liên quan khác.

Theo Chương trình định cư của Liên hợp quốc (UNHABITAT), Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Những thách thức của đô thị hóa ở Việt Nam phần lớn xuất phát từ dân số đô thị tăng nhanh. Có hơn 30% dân số ở Việt Nam sống ở đô thị (năm 2011) và tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,4%. Tỷ lệ đô thị hóa cao hơn một số vùng có ảnh hưởng vùng miền như vùng Đông Nam bộ và đồng bằng Sông Hồng. Kinh tế phát triển và sự bành trướng ở hai đô thị Hà Nội và TPHCM, việc đi lại thuận lợi, các khu công nghiệp tạo ra nhiều việc làm nhưng đi kèm đó là sự phân tầng, nghèo đói tăng lên và môi trường xuống cấp. Quy hoạch và phát triển đô thị chưa đủ đáp ứng tăng trưởng KT-XH. Các khu đô thị đang gặp phải các vấn đề do mạng lưới  hạ tầng đô thị yếu kém, tiếp cận nguồn nước sạch còn hạn chế, môi trường xuống cấp, vệ sinh đô thị chưa đạt tiêu chuẩn, ngập lụt; chưa quản lý được chất thải rắn, các vấn đề giao thông, thiếu nhà ở và thị trường đất đai thiếu minh bạch…

Một số vấn đề cần giải quyết đối với lĩnh vực dịch vụ hạ tầng, đặc biệt liên quan đến các khu dân cư nghèo đô thị. Chất lượng môi trường đô thị và vệ sinh đô thị là vấn đề lớn Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt các thành phố lớn, đó là tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.

Quảng Nam luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về bão lũ, biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán và xâm nhập mặn (Trong ảnh: Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nguyên Khôi

Xử lý chất thải rắn an toàn cũng là vấn đề lớn ở Việt Nam đặc biệt các thành phố lớn. Trong số 91 bãi xử lý rác có 19 bãi được cho là đáp ứng vệ sinh với hệ thống thu gom và xử lý nước rác rò rỉ. Những thị trấn nhỏ đang đối mặt với vấn đề xử lý chất thải rắn. Những năm gần đây, một lượng lớn người dân chuyển sang các loại hình phi nông nghiệp mà mức tiêu thụ của người dân cũng thay đổi do vậy các chương trình tái chế trước đây bị quá tải với một lượng rác khổng lồ gây nguy hại cho nguồn nước và sức khỏe của người dân.

Giao thông đô thị, các khu đô thị phát triển nhanh đang gây ra những thách thức cho giao thông đô thị. Tất cả các thành phố đều thiếu phương tiện giao thông công cộng. Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng chính nhưng không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng. 

Việt Nam là nước có tỷ lệ sở hữu xe gắn máy bình quân đầu người cao nhất thế giới và tỷ lệ tai nạn giao thông cao. Và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng lên. Cơ giới hóa tăng nhanh gây ra tắc nghẽn các tuyến đường đô thị và ô nhiễm không khí.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng Diễn đàn góp phần làm rõ hơn các cam kết và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam trong phối hợp hành động phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó biến đổi khí hậu, với vai trò chủ yếu của các đô thị. Quảng Nam là địa phương tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Như nhiều địa phương khác trong cả nước, quá trình phát triển của Quảng Nam, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức về bão lũ, biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán và xâm nhập mặn. Tình trạng này ngày càng diễn ra phức tạp và khó lường, đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân, gây khó khăn không nhỏ trong việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là sự phát triển bền vững của các đô thị và khu vực nông thôn. 

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng các nghiên cứu về tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu gần đây đều đã khẳng định khu vực đô thị có vai trò hết sức đặc thù trong việc tạo ra sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường. Hơn bao giờ hết, những hoạt động đang diễn ra ở các đô thị đang định hình thế giới, đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển về mọi mặt tại các quốc gia nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là nhân tố mấu chốt trong việc thúc đẩy năng lượng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc gia cũng như trên toàn cầu.

Diễn đàn diễn ra đến hết ngày 24-8.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục