Thu gom rác thải tại TPHCM - Thủ công và thiếu đồng nhất

Thu gom rác thải tại TPHCM - Thủ công và thiếu đồng nhất

TPHCM đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng nhanh các loại chất thải ô nhiễm, nhất là rác thải đô thị. Hiện trung bình thành phố tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác/ngày. Tốc độ gia tăng lượng rác thải ước tính tăng 10 - 15%/năm. Tuy nhiên, hệ thống thu gom rác thải lại không tương xứng với khối lượng rác phát sinh, gây ra tình trạng nhếch nhác cho đô thị.

Nan giải với lực lượng thu gom rác dân lập

Trong tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn thành phố, có đến 60% là do lực lượng rác dân lập thu gom. Trang thiết bị thu gom của lực lượng này hoàn toàn thô sơ, lạc hậu. Xe để thu gom rác chủ yếu được cải tạo từ xe gắn máy 2 bánh và gắn thêm thùng chứa rác. Đã vậy, chất lượng dịch vụ thu gom rác của lực lượng này kém. Đại diện UBND quận Bình Tân - một trong những quận có lực lượng thu gom rác dân lập đông đảo cho biết, họ thu gom rác rất… “ngẫu hứng”. “Có nhiều ngày họ tự ý ngưng không đi thu gom rác tại các hộ gia đình mà không có bất kỳ lý do gì. Vậy mà  tiền thu gom rác hàng tháng của các hộ dân, họ vẫn lấy đủ”, vị đại diện này nói. Quận Tân Bình có mời những người thu gom rác dân lập họp, phổ biến các quy định cần thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn quận. Tuy nhiên, do không có quy định chế tài với những đường dây rác không đảm bảo chất lượng phục vụ, hoạt động không đảm bảo vệ sinh môi trường nên việc xử lý vi phạm cũng thiếu hiệu quả.

Thu gom rác dân lập trên đường Nguyễn Trãi quận 5. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tình trạng trên cũng xảy ra phổ biến tại hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố. Đại diện UBND quận Thủ Đức cho biết, lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn quận có khoảng 400 người, sở hữu 166 đường dây rác. Toàn bộ rác thải từ các hộ gia đình sẽ do lực lượng rác dân lập thu gom và tập trung về các điểm hẹn. Lực lượng thu gom rác chính quy là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển rác từ điểm hẹn đến các trạm trung chuyển và bãi xử lý rác thải tại xã Đa Phước huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dân số trên địa bàn quận tăng nhanh, lực lượng thu gom rác dân lập không đáp ứng được yêu cầu về nhân lực, phương tiện nên hoạt động kém hiệu quả. Nhiều bãi rác gây ô nhiễm môi trường nhưng không được thu dọn về các điểm hẹn kịp thời đã gây bức xúc cho người dân.

Không chỉ thu gom mà trong phân công việc quét rác cũng rất phức tạp và có sự chồng chéo giữa nhiều cơ quan chức năng liên quan. Đơn cử, nếu là tuyến đường thuộc quận thì quận đó sẽ phụ trách quét nhưng trên tuyến đường có dải phân cách thì phần giữa đường có dải phân cách do công ty công trình giao thông công cộng giữ vệ sinh. Những tuyến đường có cầu thì mặt cầu sẽ do đơn vị quản lý cầu phà quét. Thực tế này đang gây khó cho các quận huyện khi thực hiện quy trình kiểm tra giám sát. Đại diện UBND quận 1 cho biết thêm, diện tích mặt đường theo quy định phải quét dọn cũng chưa được cụ thể hóa nên đang có sự khác biệt giữa các quận huyện. Có quận quy định quét từ mép vỉa hè ra lòng đường là 1m nhưng có quận huyện lại quy định 2m. Việc nghiệm thu chất lượng quét dọn cũng chưa có tiêu chuẩn cụ thể mà chỉ dựa vào cảm quan nên mỗi quận nghiệm thu khác nhau, gây khó cho đơn vị thực hiện. Đã thế, lượng rác ngày càng tăng nhưng kinh phí dành cho quét rác ngày càng giảm.

Đẩy nhanh đấu thầu dịch vụ cung ứng vệ sinh

Liên quan đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, hiện đang tồn tại song song hai hệ thống thu gom rác dân lập và chính quy. Lực lượng chính quy đều thuộc các công ty dịch vụ công ích quận huyện quản lý nên mô hình tổ chức tương đối ổn. Đa số công ty dịch vụ công ích đều có lộ trình nâng cấp, đầu tư đổi mới trang thiết bị phù hợp với yêu cầu thực tế. Riêng lực lượng thu gom rác dân lập thì cơ quan chức năng chưa thực sự quản lý được. Nhiều khu vực còn không xác định được chủ đường dây rác thực sự là ai mà chỉ tiếp xúc được với những nhân công được thuê thu gom rác tại hộ dân. Với mô hình và chất lượng hoạt động lỏng lẻo và không hiệu quả như vậy, để khắc phục đã nhiều lần ngành chức năng đưa lực lượng thu gom chính quy vào thu gom tại những khu vực do lực lượng rác dân lập đảm trách, nhưng không được. Cho rằng bị lấy mất việc làm, nhiều người trong lực lượng thu gom rác dân lập đã phản ứng dữ dội lại các quyết định này.

Do vậy, thực hiện đấu thầu hoạt động cung ứng dịch vụ là giải pháp cần thiết để cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ vệ sinh trên địa bàn thành phố. Thực tế, việc thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ vệ sinh đã bắt đầu từ năm 2008 tại quận Tân Phú và Bình Tân. Ở đó, sau khi Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị trúng thầu và đảm trách việc cung ứng dịch vụ vệ sinh đã nâng cao chất lượng vệ sinh tại 2 quận này. Trang thiết bị thu gom và việc quét dọn dần được cơ giới hóa và thực hiện bài bản. Tình trạng bỏ điểm không thu gom rác hoặc rác ngập đường phố đã gần như không còn. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã thực hiện thành công chương trình phân loại rác tại nguồn cho những hộ dân thuộc các tuyến đường, khu vực dân cư do công ty đảm trách thu gom và quét dọn  rác. Đặc biệt, ngân sách thành phố còn tiết giảm 15% kinh phí chi trả cho hoạt động này so với trước khi áp dụng hình thức đấu thầu. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cũng nhấn mạnh, sở đang gấp rút hoàn thiện quy trình thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường trong năm 2016. Dự kiến đầu năm 2017 sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi dịch vụ thu gom, quét dọn rác trên địa bàn thành phố. Riêng với lực lượng thu gom rác dân lập, sẽ được tổ chức phổ biến và tuyên truyền cũng như được tham gia với tư cách đơn vị đấu thầu như những lực lượng chính quy. Bằng cách này, Sở TN-MT TPHCM kỳ vọng đổi mới và nâng cấp được hoạt động, trang thiết bị thu gom, quét dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đáp ứng thực tế phát sinh rác thải và tiêu chí hiện đại hóa ngành vệ sinh môi trường.

Minh  Xuân

Tin cùng chuyên mục