159 tuyến đường mẫu giờ ra sao?

Năm 2012, 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM ký cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên 159 tuyến đường. Tuy nhiên, sau 4 năm nhìn lại, hầu hết các “tuyến đường mẫu” vẫn không khác gì so với trước đây.
159 tuyến đường mẫu giờ ra sao?

Năm 2012, 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM ký cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên 159 tuyến đường. Tuy nhiên, sau 4 năm nhìn lại, hầu hết các “tuyến đường mẫu” vẫn không khác gì so với trước đây.

Lấn chiếm tràn lan

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại khu vực các quận trung tâm, tình trạng hàng quán ăn uống, nhậu nhẹt lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tái diễn. Đơn cử như đường Đề Thám, Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão… (thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), tình trạng chiếm dụng lòng lề đường tại khu phố Tây vẫn không chuyển biến.

Hầu hết các quán ăn, quán nhậu, quán nước, tủ bán thuốc lá, bánh kẹo… trên đường Bùi Viện đều bày ra hết vỉa hè. Nhân viên của các quán còn tràn xuống lòng đường đứng chào mời, chèo kéo khách.

Về đêm, khu vực này khách đông, các quán bày bàn ghế xuống cả lòng đường cho khách ngồi ăn uống. Do vỉa hè bị chiếm dụng hết, du khách buộc phải đi dưới lòng đường, luồn lách cùng các phương tiện xe cộ đang tấp nập qua lại.

Vỉa hè đường Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) bị chiếm dụng buôn bán, đậu xe ở lòng lề đường

Tương tự, dọc tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Cống Quỳnh đến ngã 6 Phù Đổng) về đêm, hàng quán bày bán không chỉ xếp thành nhiều hàng trên vỉa hè mà còn đậu kín hai bên đường. Góc đường Phạm Hồng Thái - Lê Anh Xuân (quận 1) đã bị chiếm dụng làm bãi giữ xe cho quán cà phê Phúc Long và các quán nước quanh khu vực. Xe máy để kín vỉa hè nơi đây.

Ghi nhận trong những ngày qua, trên các tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, cơ quan chức năng đã ra quân để dọn dẹp tình trạng lấn chiếm trái phép vỉa hè, buôn bán chiếm dụng lòng lề đường. Thế nhưng, điều đáng suy ngẫm là hầu hết những người bị truy quét, bị tịch thu tang vật đều là những người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ.

Còn việc kinh doanh rầm rộ, công khai và lấn chiếm vỉa hè ngang nhiên như trên đường Bùi Viện, Đề Thám, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đỗ Quang Đẩu…, khi cơ quan chức năng đến thì được dọn dẹp gọn gàng, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.

Một tuyến đường kiểu mẫu khác là đường Nguyễn Trãi (đoạn thuộc quận 5). Suốt từ ngã tư Trần Bình Trọng đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương rất khó tìm thấy những khoảng trống trên lề đường.

Cửa hàng điện máy ở góc đường Trần Hưng Đạo - Lê Hồng Phong, quận 1, TPHCM ngang nhiên tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm điện thoại mới trên vỉa hè vào tối 17-2-2017, gây ùn tắc giao thông. Ảnh: KHẮC HÀO

Tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua các quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận đã ký cam kết với UBND TP thực hiện “tuyến đường kiểu mẫu” về công tác bảo vệ môi trường và trật tự, mỹ quan đô thị; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, cả ngày lẫm đêm, hai tuyến đường này tấp nập, nhộn nhịp bởi các quán cà phê, quán nhậu dọn sẵn bàn ghế ra chiếm trọn vỉa hè để đón khách. Về chiều, tầm 16 giờ, chạy dọc hai tuyến đường này, những khu vực bán quán nhậu bàn ghế kê theo dãy choán hết vỉa hè, những gốc cây xanh xung quanh đó cũng được tận dụng để kê đồ, treo bảng... Những bàn nhậu ồn ã cứ vô tư ném thẳng thức ăn thừa, khăn lau miệng xuống nền gạch vỉa hè. Những người dân đi bộ qua đoạn đường này đều phải chấp nhận đi dưới lòng đường chung với xe máy, ô tô lao qua vun vút.

Đăng ký nhiều, thực hiện chẳng bao nhiêu

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, theo quyết định của UBND TP ngày 9-3-2012 về việc thông qua nội dung bản cam kết thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỗi quận - huyện đăng ký 5 - 10 tuyến đường cam kết giải quyết tình trạng buôn bán, đậu xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Trong đó, một số quận trung tâm như quận 1 đăng ký 10 tuyến đường gồm Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Duẩn, Phùng Khắc Khoan; quận 3 đăng ký 7 tuyến đường gồm Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa, Trường Sa; quận 5 đăng ký 10 tuyến đường gồm Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều, Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương...

Có tổng cộng 159 tuyến đường có cam kết giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, theo Sở GTVT, qua theo dõi từ năm 2013 đến nay, nhận thấy công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng vỉa hè của các cấp chính quyền địa phương chưa làm tốt, chưa đạt hiệu quả cao, chỉ mang tính chất đẩy đuổi là chính, thiếu giải pháp căn cơ, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra.

Trong kế hoạch thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020, UBND TPHCM đã ban hành nhiều giải pháp, nhưng khi triển khai về đến cơ sở thì chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, chưa sâu sát, dẫn đến không tạo được sự chuyển biến như mong đợi. Đặc biệt trong việc lập lại trật tự lòng lề đường trên địa bàn TP, tình trạng tái diễn gần như cũ khá phổ biến ở nhiều địa phương. Việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để đậu xe, buôn bán, kinh doanh dịch vụ không đúng quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường, kể cả những tuyến đường mẫu đã đăng ký với TP.

Ngày 13-2-2017, UBND quận 1 ra quân tổ chức kiểm tra, xử lý nạn lấn chiếm lòng lề đường để lập lại kỷ cương. Việc này sẽ được thực hiện thường xuyên trên địa bàn quận. Về việc lắp đặt barie trên một số vỉa hè gây khó khăn cho người khuyết tật, khiếm thị và người đi bộ có thể vấp ngã do bất cẩn trong lúc đi theo thói quen, UBND quận 1 đề nghị Sở Giao thông Vận tải xem xét lại tính pháp lý và tính hợp lý của quyết định lắp đặt, đề xuất cách giải quyết phù hợp hơn nhằm tránh gây xáo trộn thói quen đi bộ của người dân.


QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục