Xây dựng nền kinh tế xanh

Bài học về ô nhiễm môi trường, hao mòn sức khỏe con người do nguồn tài nguyên quốc gia bị khai thác quá mức ở một số nước trên thế giới, một lần nữa nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ quan chuyên trách của Việt Nam cảnh giác, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Bài học về ô nhiễm môi trường, hao mòn sức khỏe con người do nguồn tài nguyên quốc gia bị khai thác quá mức ở một số nước trên thế giới, một lần nữa nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ quan chuyên trách của Việt Nam cảnh giác, không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng “xanh” giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rất rõ các nội dung về tăng trưởng “xanh”, trong đó nhấn mạnh quan điểm “đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững”, “dựa trên tăng cường đầu tư và bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên”, “kích thích tăng trưởng kinh tế”… Mục tiêu chung của tăng trưởng xanh là tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính… Đáng chú ý, chiến lược cũng chỉ rõ nhiệm vụ “xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”. Các quan điểm, mục tiêu chiến lược, giải pháp thực hiện… có rất nhiều nhưng tóm lại đều xoay quanh nền kinh tế “xanh”, mà yếu tố bảo vệ môi trường, sự phát triển hài hòa giữa thiên nhiên với phát triển kinh tế - xã hội được đặc biệt coi trọng. 

Dẫn chứng sinh động cho việc khai thác cạn kiệt, quá mức các nguồn lợi từ thiên nhiên ban tặng, phải kể đến một trong các quốc gia điển hình đó là Mông Cổ. Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Mông Cổ được xem là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới, từ “vịt” bỗng chốc hóa “thiên nga”, khiến nhiều quốc gia khác ước ao có được vị trí này. Tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ vào năm 2011 cán mức 17,5%, cùng thời điểm các mỏ quặng sắt lớn của nước này được các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài) khai thác ồ ạt, phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Tăng trưởng bình quân GDP ở quốc gia này trong 10 năm đạt 8%, thu nhập bình quân trên đầu người ở mức 4.000 USD. Thế nhưng, hiện nay, Mông Cổ đang rơi vào cảnh gánh khoản lãi khủng từ món nợ 23 tỷ USD và có nguy cơ vỡ nợ rất cao; người dân đối mặt với nhiều dịch bệnh nhưng chưa được chữa trị kịp thời… Thêm nữa, điều kiện, môi trường sống tại Mông Cổ được đánh giá rất thấp. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, chất lượng không khí tại nước này tệ hơn 80 lần so với quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sông ngòi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Vậy nguyên nhân vì đâu khiến quốc gia Trung Á này nhanh chóng rớt hạng, thảm hại như hiện nay? Các chuyên gia kinh tế giải thích, quốc gia này đã khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, lệ thuộc vào việc khai khoáng để cung ứng cho một thị trường gần như độc quyền (Trung Quốc), bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng, chi tiêu phung phí nguồn lực quốc gia.

Bài học rút ra từ Mông Cổ cũng được xem là bài học chung cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để phát triển kinh tế, ngoài các yếu tố về nâng cao chất lượng, năng lực nguồn nhân lực (chủ động giảm thiểu tham nhũng, minh bạch ngân sách, thu chi…) thì việc giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững cũng là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, quy định đặt ra là một chuyện nhưng các cơ quan chuyên trách có chế tài được doanh nghiệp, người tiêu dùng thực hiện đúng mục tiêu vạch ra hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn, một việc nhỏ như sử dụng túi đựng thân thiện môi trường nhưng không phải doanh nghiệp, người dân nào cũng tích cực tham gia. Kế hoạch sử dụng túi thân thiện môi trường được đưa ra thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng chìm xuồng. Chính một lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận, muốn hướng tới nền kinh tế xanh cần phải có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Nhưng thực sự vẫn chưa có quy định ưu đãi cụ thể, tích cực cho nền kinh tế xanh khiến doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện, bền vững môi trường dễ chán nản, thiếu nhiệt tình đưa ra các sản phẩm đạt chuẩn cung cấp cho thị trường.

Để có được một nền kinh tế “xanh”, rất cần sự chủ động của doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, của người tiêu dùng về mọi mặt, gồm: cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức tiêu dùng…

Xây dựng nền kinh tế xanh chính là xây dựng bước tiến vững chắc cho hiện tại và tương lai.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục