Xây dựng quy hoạch theo hướng tích hợp là cần thiết

Tại cuộc hội thảo về dự án Luật Quy hoạch do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 22-2, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình với tinh thần soạn thảo luật này là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, góp phần xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Xây dựng quy hoạch theo hướng tích hợp là cần thiết

(SGGP).- Tại cuộc hội thảo về dự án Luật Quy hoạch do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 22-2, đa số ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình với tinh thần soạn thảo luật này là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, góp phần xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Chủ trì hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh nguyên tắc thứ bậc về giá trị pháp lý của sản phẩm quy hoạch. “Quy hoạch vùng và tỉnh phải tuân thủ quy hoạch quốc gia. Không thể chấp nhận việc tỉnh nào cũng “đòi” làm sân bay hay cảng nước sâu”, ông Kiên nói.

Luật Quy hoạch sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Khẳng định Luật Quy hoạch khi được ban hành “không lấy đi nhiệm vụ chức năng của ai và không ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của các bộ ngành”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết, Luật Quy hoạch sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường… “Lĩnh vực quy hoạch cần có một luật khung”, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định. Theo ông Liêm, khi nhiều ngành hẹp có liên quan mật thiết với nhau và hình thành hệ thống ngành rộng thì chúng cần được lập quy hoạch phát triển chung một cách đồng bộ để phát huy hiệu quả tối đa trong cùng một quy hoạch, gọi là “quy hoạch tích hợp”. Bày tỏ thái độ ủng hộ việc ban hành Luật Quy hoạch, PGS-TS KTS Trần Trọng Hanh nói: “Khi Luật Quy hoạch được thông qua, cái “mất” là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”, “đầu Ngô mình Sở”. Cái được là chúng ta có cơ hội cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn màu sắc quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.

Liên quan đến độ “vênh” nhất định giữa dự thảo Luật Quy hoạch với Luật Đất đai hiện hành, GS-TSKH Đặng Hùng Võ bình luận: “Dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định cụ thể hơn về quá trình thực hiện tích hợp các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, vào phương án quy hoạch tích hợp thống nhất. Trình tự, thủ tục của quá trình tích hợp phải được quy định rõ ràng, mô tả đầy đủ công việc của các cơ quan quản lý ngành, trong đó có cơ quan quản lý đất đai. Mặt khác, khung pháp luật về quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013 cũng cần được điều chỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai”.

Chuyên gia Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ quan tâm đến yêu cầu đảm bảo tính khoa học, khách quan trong quá trình thẩm định quy hoạch. Theo ông, thành phần của hội đồng thẩm định quy hoạch nhất thiết phải có các nhà khoa học và chuyên gia độc lập và việc này phải được nêu rõ trong luật. Ghi nhận việc cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã nêu rõ 32 luật cần có sự sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất trong pháp luật về quy hoạch, chuyên gia này gợi ý giải pháp “giao cho Bộ KH-ĐT soạn thảo một luật để sửa nhiều luật” nhằm nhanh chóng đưa Luật Quy hoạch (sau khi được Quốc hội thông qua) vào cuộc sống một cách êm thuận mà không “vấp” phải những xung đột pháp lý…  

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục