Đa dạng hóa sinh kế để thích ứng biến đổi khí hậu

° Phóng viên:
Đa dạng hóa sinh kế để thích ứng biến đổi khí hậu

Sau trận hạn - mặn lịch sử năm 2016, thời tiết ĐBSCL tiếp tục diễn biến bất thường, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Cụ thể, nhiều trận mưa trái mùa xuất hiện liên tục trước và sau Tết Nguyên đán; nước mặn cũng về sớm hơn mọi năm ở một số địa phương, khí hậu nóng, lạnh đột ngột… Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho sinh kế của người dân trong vùng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Anh Tuấn (ảnh), Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) xung quanh những vấn đề này.

° Phóng viên: Thưa PGS-TS Lê Anh Tuấn, qua theo dõi diễn biến biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, ông nhận định gì về tình trạng hạn mặn năm nay? Liệu mức độ có khốc liệt như năm ngoái?

Đa dạng hóa sinh kế để thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 1

° PGS-TS LÊ ANH TUẤN: Theo tiên đoán của tôi, hạn mặn năm nay 2017 không khốc liệt như mùa khô năm ngoái nhưng cũng thuộc năm có hạn mặn nặng vì lượng mưa và lũ năm 2016 là nhỏ. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, chính quyền địa phương phải có giải pháp quyết liệt can thiệp để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho nông dân.

° Thông thường, năm nào lũ nhỏ sẽ kéo theo hạn mặn lớn, phải chăng điều này đã trở thành chu kỳ hiển nhiên của ĐBSCL?

° Lũ nhỏ sẽ kéo theo hạn mặn lớn dường như đã trở thành quy luật tự nhiên. Điều này đã diễn ra suốt trong nhiều năm qua. Chuyện nhiều nước xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mê Công đang tác động tiêu cực đến nguồn nước ngọt cung cấp cho hạ lưu sông Mê Công. Trong đó, việc giảm lượng phù sa (nằm lại ở các đập thủy điện) cũng gây ảnh hưởng không nhỏ. Đây là những vấn đề mà ĐBSCL cần sớm có giải pháp để đối phó.

° Hàng trăm ngàn hécta lúa bị thiệt hại, hàng triệu người thiếu nước ngọt trong trận hạn, mặn năm ngoái. Vậy ngay từ bây giờ chúng ta cần làm gì để hạn chế những thiệt hại này lặp lại?

° Thiếu nước vào mùa khô sẽ tác động tiêu cực cho canh tác nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt. Để đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt, cần có những giải pháp đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài, bao gồm: Tích cực thu trữ nước mưa vào những tháng cuối mùa mưa, nạo vét kênh mương, ao hồ để tăng dung tích trữ nước mưa, nước lũ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần có giải pháp đồng bộ trong sản xuất: Áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, chọn giống cây trồng chịu hạn, mặn tốt hơn. Theo tôi, ĐBSCL đang có dấu hiệu sản xuất dư thừa lúa, gạo. Trong bối cảnh hạn, mặn ngày càng khốc liệt, cần thiết phải xem xét lại chính sách sản xuất lúa theo hướng giảm diện tích ở các tỉnh ven biển. Quy hoạch phân vùng canh tác hợp lý trên cơ sở nguồn tài nguyên nước. Kiên trì biện pháp ngoại giao nguồn nước đối với các nước thượng nguồn sông Mê Công theo hướng chia sẻ lợi ích nguồn nước.

° Biến đổi khí hậu kéo theo hệ lụy là tạo ra nhiều vùng đất khó canh tác, tình trạng di dân ngày càng nhiều. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?

° Khó khăn về nguồn nước, thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng với những thách thức về thị trường, biến động xã hội khiến tình trạng di dân ngày càng nhiều. Đây thực sự là vấn đề khó khăn, không dễ giải quyết trong ngắn hạn. Trước mắt và lâu dài, đối với sản xuất và đời sống ở ĐBSCL, cần những giải pháp cụ thể. Trước tiên, cần xác định các đối tượng chịu tổn thương, đánh giá mức độ tổn thương. Tìm các giống cây trồng và vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt hơn. Điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ghi nhận các hình thức thích nghi theo tập quán địa phương; Tăng cường năng lực, nhận thức, ý thức và hành vi bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác nhân làm khí hậu xấu hơn; Xây dựng và duy trì mạng lưới thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cấp hệ thống cảnh báo thời tiết, thiên tai; Đề xuất và thử nghiệm các mô hình thích nghi với hoàn cảnh mới: Các kiểu kiến trúc nhà, ngoại cảnh, các trang thiết bị phòng tránh thiên tai ở mức cộng đồng. Theo tôi, nó đòi hỏi nhiều nỗ lực trong chính sách phát triển nông thôn, liên kết vùng trong sản xuất và đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ lao động nông thôn cả kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Điều cần thiết là giữ môi trường trong sạch và không gây sự suy kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng nhìn lúa chết vì hạn, mặn (do biến đổi khí hậu). Ảnh: TRUNG HIẾU

° Trong tương lai, ĐBSCL sẽ có nhiều vùng đất có thể bị biển nhấn chìm, ngay từ bây giờ liệu chúng ta cần có những cảnh báo và đề xuất định hướng để giải quyết chỗ ở cho người dân ở những vùng sẽ di dời do tác động của nước biển dâng?
      
° Theo đánh giá của cá nhân tôi, giới khoa học, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng chủ yếu chỉ ở những biện pháp đối phó mang tính ngắn hạn (dưới 10 năm) hoặc xa hơn mới ở mức trung hạn (10 - 20 năm) và rất ít thực hiện những giải pháp dài hạn (trên 20 năm). Nguyên do là thiếu kinh phí, thiếu nhân lực và thiếu sự hỗ trợ chính sách và chiến lược. Để có những giải pháp căn cơ cho tương lai xa, cần có những quy hoạch tổng thể dài hạn cấp vùng và chính sách liên kết không gian rộng lớn hơn. Ngoài ra, cần mở rộng và xem xét thêm những tổ hợp kịch bản hoặc dự báo các tình huống xấu mang tính xuyên biên giới về nguy cơ biến đổi khí hậu; Xây dựng quy chuẩn cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.

Ngoài cảnh báo và tăng cường nhận thức trong cộng đồng và chính quyền địa phương về nguy cơ cho vùng ĐBSCL, việc định cư an toàn và bền vững cho người dân phải là bài toán lớn cho chiến lược thích ứng theo các kịch bản thay đổi. Trong đó, cần sớm có những định hướng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội lâu dài mà nhiều ban ngành phải phối hợp giải quyết.

° Xin cảm ơn tiến sĩ! 

CAO PHONG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục