Quyết liệt, kiên nhẫn “đòi” lại lòng đường, vỉa hè

(SGGPO).- Dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng cuộc họp sáng nay 11-3 bàn về công tác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp lãnh đạo TP khi có sự tham dự của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND, HĐND, lãnh đạo các sở ban ngành TP, Bí thư, chủ tịch 24 quận huyện và lãnh đạo một số phường “nóng” về tình hình trật tự đô thị.

Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp chuẩn bị sẵn bài phát biểu dài cả chục trang, nhưng với tinh thần thực tế, cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong - đồng chủ trì cuộc họp, yêu cầu: “Các đồng chí đến đây không phải để đọc tham luận, mà phải nói ngắn gọn và trả lời cho được câu hỏi: “Có “đòi” được lòng đường, vỉa hè không và làm gì để không tái diễn”…

Đừng để anh Đoàn Ngọc Hải như “ngôi sao cô đơn”

Báo cáo của Giám đốc Sở GT-VT Bùi Xuân Cường nêu thực trạng hạ tầng kỹ thuật TPHCM hiện có 2.598 tuyến đường không có vỉa hè, 2.271 tuyến có vỉa hè, nhưng phần lớn bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán nhiều năm qua. Qua hai đợt ra quân kiểm tra, xử lý của các quận huyện từ đầu năm đến nay, tình hình đã được cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng đậu xe trái quy định, lấn chiếm lòng, lề đường vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. “Do đâu? Chúng ta phải làm rõ nguyên nhân này ở trên từng địa bàn, từng quận huyện”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cắt ngang.

Người đứng đầu chính quyền TP yêu cầu quyết liệt, kiên nhẫn “đòi” lại lòng đường, vỉa hè.

 Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận được mời lên phát biểu đầu tiên đã trả lời câu hỏi trên. Ông Thuận nói: “Thời gian qua, quận đề ra nhóm 5 giải pháp và đã thực hiện rất quyết liệt, với kết quả bước đầu đã lập lại trật tự đô thị tại 45 tuyến đường trọng điểm, trả lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ. Thế nhưng, quận 1 hiện vẫn còn 94 tuyến đường bị lấn chiếm vỉa hè. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cái chính là còn 500 hộ nghèo, cận nghèo buôn bán trên vỉa hè nhiều năm qua phải được giúp đỡ, chuyển nghề mới cơ bản giải quyết được…”.

Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1) Ngô Hải Yến đưa ra nhiều cam kết với thời gian cụ thể của từng giai đoạn để giải quyết dứt điểm hơn 300 hộ kinh doanh thường xuyên lấn chiếm vỉa hè. Bà Yến nêu nhiều khó khăn trong giải quyết lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và chống tái diễn nên không thể giải quyết được triệt để trong ngày một ngày hai được.

Nghe đến đây, đồng chí Đinh La Thăng vặn hỏi: “Thứ nhất, mình có làm được không, bằng cách nào và làm gì để chống tái lấn chiếm?”. “Dạ làm được. Cụ thể, nhiều tuyến đường trong phường đã làm được và không để tái lấn chiếm. Phường cam kết thực hiện được 2 yêu cầu trên bằng nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài”, bà Yến cam kết. “Cái cần là sự quyết tâm và kiên nhẫn với mục tiêu đặt ra rõ ràng. Dẹp lòng, lề đường trách nhiệm phải từ chính quyền cơ sở, không thể để lãnh đạo quận dẫn quân đi dẹp mãi được. Phường, xã mới là nơi quản lý, chấn chỉnh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không để anh Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 là “ngôi sao cô đơn”. Phường không vào cuộc thì không thể làm được. Ở phường chỉ cần bí thư, chủ tịch và trưởng công an vào cuộc thì làm được ngay, vì không ai hiểu được tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường... bằng 3 ông này được”.

Quyết liệt làm, không nêu khó khăn, kiến nghị giải pháp nữa

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong đưa ra sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện các quận huyện, sở ngành. “Từ năm 2002 đến nay, từ Chính phủ, bộ ngành trung ương đến lãnh đạo Thành ủy, UBND TP đã có nhiều nghị định, chỉ thị, nghị quyết về lập lại trật tự đô thị, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cái chính là người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận huyện đến phường, xã có làm và làm quyết liệt hay không thôi. Giải pháp cũng đã có nhiều, nhưng mỗi nơi phải vận dụng cách làm phù hợp để làm sao vừa giải quyết dứt điểm được tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vừa bảo đảm an sinh cho người dân bao năm nay sống bằng nghề buôn bán trên vỉa hè…”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu, nhìn chung đa số người dân rất đồng tình với chủ trương và cách làm của các quận huyện. Thế nhưng, cũng cần lưu ý, vỉa hè là nơi mưu sinh, nguồn sống của nhiều gia đình. Chính vì vậy, khi giải quyết vấn đề này phải có lộ trình và có biện pháp chuyển đổi, tạo công ăn việc làm, nơi buôn bán ổn định, đúng quy định cho người dân.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cũng đặc biệt tán đồng với ý kiến trên, và cho rằng một bộ phận rất lớn người dân TP nhiều năm qua sinh sống trên vỉa hè và ít nhiều họ có đóng góp cho sự phát triển của TP. Do vậy, trong giải pháp thực hiện, các quận huyện phải đặc biệt lưu ý vấn đề này, không đẩy người dân vào chỗ cùng cực, nhưng cũng không để người dân tái diễn việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị cho đô thị đông dân nhất cả nước này được.

Đồng chí Đinh La Thăng cũng hoan nghênh, biểu dương nỗ lực, quyết tâm và quyết liệt của các quận huyện trong việc lập lại trật tự đô thị, trả lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông. “Chúng ta cũng cần những con người như anh Đoàn Ngọc Hải và nhiều địa phương khác nữa đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Chính quyền TP cũng thể hiện rõ quyết tâm và có nhiều giải pháp, cách làm, trong đó nói rõ, những địa phương nào còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và xem xét điều chuyển làm việc khác. Kết quả và cách làm ở nhiều nơi thời gian qua đã lấy lại lòng tin của nhân dân, được sự đồng thuận của xã hội. Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khó đến mấy cũng phải làm được, cách làm là phải vào cuộc quyết liệt, kiên nhẫn và huy động được sức dân và cả hệ thống chính trị từ khu phố, ấp đến phường, quận…”, đồng chí Đinh La Thăng kết luận.

 Không “đòi” được vỉa hè, xin thôi chức Chủ tịch UBND phường

“Từ nay đến quý 1 - 2017, phường Bình Trị Đông B quyết tâm làm thông thoáng đường Vành Đai Trong, Tên Lửa, Hồ Cẩm. Ngoài ra, phường đăng ký với quận 4 tuyến đường trọng điểm khác trong quý 1 này cũng sẽ được thông thoáng.

Tôi xin hứa với các đồng chí lãnh đạo sẽ thực hiện được. Nếu từ đây đến cuối năm, bản thân tôi không quản được trật tự đô thị, tôi xin nhường lại chức vụ Chủ tịch UBND phường cho các đồng chí khác…”

(Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân)
   

        HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục