Bài 1: Cuộc đấu tranh trong mỗi gia đình

Vỉa hè - nơi tạo ra lợi ích và cuộc sống mưu sinh của bao gia đình trong hàng chục năm qua. Để trả lại “mảnh đất” màu mỡ đã tạo nên bát cơm, manh áo với nhiều gia đình không đơn giản và là cuộc đấu tranh khá gay gắt để thực hiện chủ trương lập lại trật tự đô thị của chính quyền TPHCM…

“Đòi” lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông - cách nào?

LTS: Trong những năm qua, công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM được cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Dù có những chuyển biến, song tình hình trật tự đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập: tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán xảy ra khắp nơi, làm mất mỹ quan đô thị, cản trở sự phát triển của thành phố và gây bức xúc trong nhân dân.

Từ số báo hôm nay, Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Đòi” lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông - Cách nào?, nhằm giới thiệu đến bạn đọc những mô hình, cách làm hay, hiệu quả của các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp trong công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM…

Vỉa hè - nơi tạo ra lợi ích và cuộc sống mưu sinh của bao gia đình trong hàng chục năm qua. Để trả lại “mảnh đất” màu mỡ đã tạo nên bát cơm, manh áo với nhiều gia đình không đơn giản và là cuộc đấu tranh khá gay gắt để thực hiện chủ trương lập lại trật tự đô thị của chính quyền TPHCM…

Người dân quận 7 tự nguyện tháo dỡ bảng quảng cáo lấn chiếm vỉa hè

Đảng viên đi trước

Cầm trên tay tờ cam kết, ông Đỗ Anh Tân (ngụ 152 Tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) đi lại chỗ bà Tân đang ngồi phía cửa, nói: “Bà xem thu dọn phòng trong để lấy chỗ đưa xe khách vào đó, chứ tôi cam kết trả lại vỉa hè rồi”. “Chỗ đâu mà xếp, cứ để vậy đi có mấy chiếc xe để gọn đằng trước rồi mấy hôm qua chiến dịch dọn ra chứ có gì nào”, bà Tân đáp lại. Ông Tân quả quyết: “Không được! Chi bộ khu phố đã ra nghị quyết, mình là đảng viên phải chấp hành”…

Gặp chúng tôi, ông Tân thuật lại câu chuyện trả lại vỉa hè của gia đình, cũng gian nan, tranh cãi, làm mình làm mẩy mấy ngày vợ con ông mới chấp nhận dọn một khoảng trống giữa nhà để đưa hơn 10 chiếc xe máy của khách và người thuê nhà vào. “Có cái mặt tiền một bên cho photocopy, một bên cho công ty đo vẽ thuê mỗi tháng được gần 7 triệu đồng. Giờ phải lo mặt bằng để xe nhưng giá thuê vẫn giữ nguyên, biết là thiệt nhưng gia đình tôi vẫn chấp nhận. Chưa kể, hàng ngày khách dẫn xe ra vào lôi đất cát đầy nhà cũng vui vẻ chứ biết sao…”, ông Tân nói.

Theo Bí thư Chi bộ khu phố 2, thị trấn Củ Chi Lê Thị Phường, sau nhà ông Tân, nhiều gia đình đảng viên khác như ông Thành, ông Dũng, bà Nhắng… sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán nhiều năm nay đã tự giác tháo dỡ bảng hiệu quảng cáo, đập bỏ vật cản, gờ xi măng dẫn xe lên xuống trước nhà và sắp xếp xe cộ đúng vạch kẻ. Thấy các đảng viên trong Chi bộ khu phố 2 trả lại vỉa hè, nhiều hộ buôn bán trên Tỉnh lộ 8 và nhiều con đường trong khu phố cũng tự giác làm theo, trả lại sự thông thoáng cho người và phương tiện lưu thông. Như trường hợp tiệm hủ tiếu Anh Kiệt chiếm hẳn một khoảng vỉa hè trước nhà 350 Tỉnh lộ 8 kê bàn ghế bán từ sáng đến tối, cũng tự giác chấp hành bằng cách dời đến địa điểm khác thuê có chỗ rộng rãi kê bàn ghế và để xe khách.

Vỉa hè tại góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM thông thoáng, thuận lợi cho người đi bộ

Tại khu phố 4, phường 9 (quận 3), sau Nghị quyết của chi bộ về lập lại trật tự đô thị được đưa ra, hơn 10 đảng viên có nhà mặt tiền đường Hoàng Sa đã tự tháo dỡ công trình, bảng hiệu lấn chiếm vỉa hè. Anh Nguyễn Văn Ginh, Bí thư Chi bộ khu phố 4, nói: “Không chỉ trả lại vỉa hè, nhiều đảng viên còn tham gia vận động nhân dân tự giác chấp hành, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và tổ chức cho các đoàn thể Hội cựu chiến binh, Hội LHPN, Chi đoàn… trong khu phố tham gia phát tờ rơi, tuyên truyền đến từng hộ dân hưởng ứng chủ trương lập lại trật tự đô thị, giữ cho đường thông, nhà thoáng, vệ sinh môi trường bảo đảm. Nhờ vậy, trên các tuyến đường đi qua khu phố như: Hoàng Sa, Trần Văn Đang, Trần Quang Diệu và nhiều tuyến hẻm được thông thoáng, sạch đẹp…

Với trường hợp nhà ông Nam có mặt tiền đường 3 Tháng 2, phường 15 (quận 10), dù gia đình không kinh doanh hay cho thuê mặt bằng buôn bán nhưng khi nghe Chi bộ phổ biến Nghị quyết về trật tự đô thị, ông đã về bàn trong gia đình đập bỏ cái bậc tam cấp trước nhà lấn ra ngoài 3 tấc. “Tuy chỉ là chuyện nhỏ so với các kiểu tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, gửi xe nhưng dù sao mình cũng là đảng viên, nếu không làm gương thì khó ăn khó nói với người khác”, ông Nam nói. Theo ông Nam, tưởng chuyện mình làm là nhỏ, ai dè chỉ hơn tuần sau cả một đoạn đường hơn 200m, nhà nào cũng tự giác tháo dỡ công trình, vật cản trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Bỏ gánh mưu sinh

 

* Đồng chí ĐINH LA THĂNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM:

“Người dân buôn bán ở lòng đường, vỉa hè ngoài chuyện mưu sinh họ cũng có những đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Chúng ta phải thấy được điều đó, một mặt làm quyết liệt, một mặt phải đảm bảo tính nhân văn, thấu tình đạt lý, tạo sự đồng thuận của người dân. Phải kết hợp giữa siết chặt kỷ cương với việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho những người trả lại lòng đường, vỉa hè. Đây là trách nhiệm của chúng ta phải lo cho dân có cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn, góp phần đưa thành phố phát triển…”.

 

Hơn tuần nay, mỗi lần đi qua Bệnh viện Tai - Mũi - Họng trên đường Trần Quốc Thảo, phường 9 (quận 3) không thấy xe hủ tiếu của bà Ba bên vệ đường, chúng tôi ghé hỏi người chạy xe ôm và được biết bà Ba và nhiều người bán hàng ăn đã bỏ nghề, về quê sinh sống. Người chạy xe ôm nói: “Bà ấy bán ở đây lâu nhất, nhiều đợt đẩy đuổi, bị thu gom đồ đạc, sau ít hôm bà lại ra bán. Ai cũng biết buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trước bệnh viện là mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải lăn vào, chứ nắng mưa, chạy chỗ này chỗ khác cực lắm. Giờ thì chắc ai cũng phải bỏ nghề, tự tìm cho mình một công việc phù hợp ở quê để sống…”.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Tư đẩy xe bán nước giải khát trước cổng B Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) những ngày qua cũng chật vật, đẩy xe chạy qua chạy lại hai bên đường mỗi khi thấy xe trật tự đô thị của quận 1 và quận 3 trờ tới. Anh Tư nói: “Nhà dưới Cần Giuộc, Long An cũng có đám ruộng gần 1ha nhưng làm nông cực quá, nên lên đây bán nước giải khát ngày kiếm hơn 100.000 đồng phụ tiền chợ cho vợ lo mấy đứa nhỏ. Thấy đuổi tới đuổi lui cũng cực mà cũng chẳng bán được bao nhiêu, thôi mai tôi về dưới lo chuyện khác kiếm sống, trả lại chiếc xe đẩy cho chỗ thuê…”.

Đó là hai trong rất nhiều câu chuyện mưu sinh đường phố của hàng trăm con người từ quê lên thành phố bán hàng rong trước các bệnh viện, trường học, công sở giữa trung tâm thành phố. Nhiều người sẵn sàng bỏ gánh mưu sinh nơi thị thành để về quê kiếm sống bằng những nghề nghiệp, công việc khác nơi chính mảnh đất của mình. Tại các quận 1, 3, 5, 11…, trong giải pháp lập lại trật tự đô thị tại một số tuyến đường trọng điểm đã tính đến chuyện hỗ trợ cho người bán hàng rong bỏ nghề theo mức từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng/hộ. Trước tiên là vận động, tuyên truyền để người dân thấy được tác hại của lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, mà còn gây nguy hiểm cho chính mình và phương tiện, những người  tham gia giao thông. Từ đó, nhiều người đã bỏ nghề, trả lại lòng đường, vỉa hè thông thoáng để góp phần giữ vững trật tự đô thị, nếp sống văn minh trên các tuyến đường của thành phố.

Về giải pháp lâu dài và căn cơ trong thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trên một số địa bàn, nhiều quận huyện đã có sự phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học để tổ chức lại việc buôn bán hàng rong và quản lý lòng đường, vỉa hè, tránh tái lấn chiếm. Đây cũng là cách làm gắn với thực tế để từng bước lập lại trật tự đô thị, thay đổi một thói quen trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân tồn tại nhiều năm nay.

HOÀI NAM - ÁI CHÂN
Ảnh: VIỆT DŨNG

Tin cùng chuyên mục