Ngăn chặn nạn khai thác tài nguyên trái phép

Dư luận gần đây lên tiếng mạnh mẽ việc khai thác cát trái phép ở nhiều địa phương, trong đó có TPHCM. Ở một số nơi, có tình trạng cát được xuất khẩu ra nước ngoài với giá rất rẻ; người khai thác cát câu kết thành nhóm lợi ích, sẵn sàng đe dọa, thậm chí tấn công cả người thi hành công vụ; hay việc cơ quan chức năng có biểu hiện “làm ngơ”, kể cả bao che cho cát tặc… Đây thực sự là những kẻ cướp tài nguyên, trong đó có những đối tượng được ngụy trang bằng hợp đồng nạo vét lòng sông và hoạt động công khai do đã được ai đó “chống lưng”. Người dân bức xúc, nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn không được ngăn chặn đầy đủ, có khi cơ quan cấp trên đổ cho cơ quan cấp dưới quản lý lỏng lẻo, còn cơ quan cấp dưới thì cho rằng cấp trên đã bao che.

Các lực lượng chức năng TPHCM phát hiện, bắt giữ ghe khai thác cát trái phép trên sông Đồng Tranh (thuộc xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM)

Không chỉ phổ biến tình trạng khai thác cát trái phép, tùy tiện, một số tài nguyên khác như nước ngầm, đất, đá và các khoáng sản khác như vàng, titan, nhôm, than đá… cũng bị khai thác trái phép. Có nơi, đã xảy ra tai nạn chết người hoặc tranh chấp dẫn đến xung đột. Số vụ việc được phát hiện và xử lý ít hơn nhiều so với thực tế tồn tại và gây nhức nhối trong dư luận. Hậu quả của nạn khai thác tài nguyên trái phép tràn lan trước hết tác động trực tiếp đến môi trường. Đó là hiện tượng thay đổi dòng chảy và lở đất ở nhiều nơi; việc để lại các hồ nước sâu có thể để một số loài sinh vật có hại sinh sôi, làm ảnh hưởng đến môi trường; hay tình trạng phá rừng hoặc đào bới trong quá trình khai thác mà không khôi phục hoặc việc sử dụng hóa chất để xử lý quặng… đều gây hại cho môi trường. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, như làm mất đất ở và đất trồng trọt của người dân, gây nguy hiểm cho việc đi lại và sinh hoạt, gây tai nạn hoặc nhiễm độc, gây mất an ninh trật tự...

Trên hết, những hiện tượng đó gây ra tình trạng mất kỷ cương trong quản lý và chấp hành pháp luật, tạo ra các nhóm lợi ích tiêu cực, đồng thời tạo sự bất bình đẳng trong việc phân chia lợi ích từ tài nguyên quốc gia, vốn là tài sản chung của toàn dân. Các loại tài nguyên, khoáng sản về nguyên tắc thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước có trách nhiệm quản lý, nhưng do quản lý lỏng lẻo, yếu kém, sai sót, nên từ sở hữu toàn dân trở thành sở hữu của một số ít người. Sự phân chia này là bất hợp lý và sai trái. Cùng với các hậu quả khác, nạn khai thác tài nguyên trái phép và tràn lan phải được ngăn chặn kịp thời, hữu hiệu.

Để ngăn chặn có hiệu quả nạn khai thác tài nguyên trái phép, cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tài nguyên, như Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015… Mặc dù có khá nhiều luật để điều chỉnh việc quản lý và khai thác tài nguyên, thế nhưng sự quản lý để việc chấp hành luật được đầy đủ trên thực tế phải được quan tâm nhiều hơn nữa. Phải giao đầy đủ quyền và trách nhiệm cho chính quyền các địa phương và các cơ quan chuyên môn về quản lý tài nguyên, đồng thời có cơ chế giám sát, xử lý sai phạm để bảo đảm các địa phương và cơ quan này phải thực hiện đúng, đủ quyền và trách nhiệm của mình. Không chấp nhận tình trạng xảy ra nạn khai thác tài nguyên trên địa bàn mà chính quyền địa phương lại nói không biết hoặc không thể xử lý. Địa phương nào có tình trạng chảy máu tài nguyên theo các con đường bất hợp pháp phải xem xét trách nhiệm làm thất thoát tài sản công của những người quản lý ở đó. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán tài nguyên trên thị trường. Nếu ngăn chặn có hiệu quả thì có thể góp phần quản lý tốt hơn việc khai thác, bởi nếu người vận chuyển, buôn bán không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài nguyên và không bị xử lý nghiêm thì khó có thể ngăn chặn được việc khai thác trái phép. 

Việc tài nguyên bị khai thác tràn lan, vô tổ chức không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống của người dân, mà còn làm xói mòn kỷ cương và “ăn vào tương lai”, bởi các thế hệ sau sẽ nhận lấy hậu quả nặng nề do không còn tài nguyên phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước, cũng như phải gánh lấy các hậu quả khác từ việc khai thác tài nguyên để lại. Do đó, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên chính là bảo vệ các thế hệ tương lai và là tạo điều kiện để phát triển bền vững.

TRỊNH MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục